Thứ bảy 21/12/2024 23:59

Hỗ trợ khắc phục sau bão Yagi: Không ‘ngay và luôn’, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, hỗ trợ khắc phục bão cần rút gọn hơn nữa, gói chính sách phải “ngay và luôn”, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp “khát” vốn, “nóng lòng” chờ ngân hàng hỗ trợ

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua hơn 20 ngày nhưng những con số thiệt hại về tài sản, tính mạng con người vẫn tiếp tục là nỗi đau dai dẳng với mỗi người dân. Là quốc gia phát triển kinh tế một phần dựa vào nông nghiệp, nước ta chịu rất nhiều thiệt hại từ cơn bão này. Chia sẻ tại tọa đàm “Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 1/10, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng là rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn 14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn, ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng.

Với những thiệt hại nặng nề, hiện bà con mong muốn nuôi trồng có nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. “Dù ngành ngân hàng đã có những giải pháp, nhưng với mỗi người nuôi có sản phẩm đặc thù khác nhau. Có những loài 5 - 7 tháng thu hoạch, nhưng có loại 3 năm mới thu hoạch. Do đó, chúng tôi mong ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt, sớm khoanh nợ, giãn nợ cho bà con để có họ có cơ hội phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi như thế nào để đảm bảo chính sách có hiệu quả khẩn cấp” - ông Luân bày tỏ, đồng thời đề xuất: “Trước mắt, chúng ta cố gắng hỗ trợ bà con để phục hồi sản xuất nuôi cá, tôm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp lễ Tết. Chúng tôi mong muốn có thể giúp người dân thiệt hại 8 - 10 ô, lồng nuôi có thể khôi phục được 1 - 2 ô, lồng để có thể sớm quay lại sản xuất”.

Lồng bè nuôi trồng thuỷ sản của ngư dân Quảng Ninh bị bão số 3 phá huỷ hoàn toàn. Ảnh: Minh Khuê

Không chỉ người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ hải bị thiệt hại bởi bão, nhiều doanh nghiệp xây dựng tại Quảng Ninh, Hải Phòng cũng bị thiệt hại nặng nề. Là một đơn vị có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều toà nhà ven biển, song ông Đỗ Việt Thanh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn TASECO - cho biết, tòa nhà đặt toàn bộ kính chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp có giải pháp chuẩn bị kỹ nhất ứng phó cơn bão. “Khi nhận thông tin bão, chúng tôi thành lập các tiểu ban để hạn chế sức tàn phá của bão. Tuy nhiên, khi cơn bão quét qua, tất cả bằng 0” - ông Thanh nói.

Lãnh đạo TASECO cũng khẳng định, khách hàng mua nhà của doanh nghiệp mong mỏi từng ngày nhận được hỗ trợ từ phía ngân hàng. Ngay sau khi bão tan, doanh nghiệp đã gửi văn bản đến 35 chi nhánh ngân hàng đề xuất được miễn giảm lãi vay cho khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, sau 20 ngày, mới có 1 chi nhánh ngân hàng phản hồi sẽ hỗ trợ, còn các chi nhánh ngân hàng khác nói đang xin ý kiến hoặc không giảm lãi vay…

Về bồi thường bảo hiểm, ông Thanh cho biết còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 8/9, doanh nghiệp có văn bản gửi doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra, thẩm định bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm cử nhân viên xuống, làm thủ tục nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình thẩm định thiệt hại, công ty chưa nhận được bồi thường. Điều này cũng làm chậm việc hồi phục sau bão.

Thiệt hại trước mắt của doanh nghiệp này lên tới hàng trăm tỷ đồng. “Nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công. Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của cơn bão” - ông Thanh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hạ Long - chia sẻ, Công ty có 123 căn chung cư bị ảnh hưởng, toàn bộ thang máy, chỗ đỗ và hệ thống cây xanh... đều bị hư hại.

Linh hoạt rút gọn quy trình hỗ trợ

Trước những thiệt hại to lớn sau bão, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên một số địa bàn tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, xử lý rủi ro với các khoản nợ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình thiệt hại tại các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Ngay sau bão, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình thiệt hại tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, chỉ đạo tổ chức tín dụng trên 2 địa bàn này thực hiện giải pháp hỗ trợ theo đúng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước; tổ chức hội nghị trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng, qua đó thông tin chỉ đạo của ngành Ngân hàng, cùng các tổ chức tín dụng cung cấp chính sách, giải pháp, phối hợp với giải pháp từ bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy định rõ các cơ chế và trường hợp hỗ trợ khi gặp thiên tai, bão lụt. Chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, xem xét miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ...

Tuy nhiên, bà Giang cho biết, ngân hàng có chính sách thì địa phương cũng phải có chính sách hỗ trợ. Phải có sự đồng bộ. “Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ với Ngân hàng Nhà nước” - bà Giang đề nghị.

Trong cơn bão này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận thấy, các giải pháp là đồng bộ, rất tốt, giúp giảm những thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước đã đến với bà con vùng bão, đặc biệt Nghị quyết 143 đưa ra giải pháp trọng tâm giải quyết khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp chạy nước rút trong những tháng cuối năm. Do đó, ông Hoàng Quang Phòng mong rằng, vì chính sách có độ trễ nên cần có quy trình rút gọn, linh hoạt hơn để đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời. “Ngân hàng chủ động chương trình khắc phục bão cần rút gọn hơn nữa, gói chính sách phải vào “ngay và luôn”, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế” - ông Phòng nhấn mạnh.

Ngân Thương - Duy Minh
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày