Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội từ Hiệp định TFA của WTO
Tại hội thảo, các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, trung tâm/viện nghiên cứu trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cùng thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định TFA; từ đó đề xuất các sáng kiến khả thi và khuyến nghị thực chất nhằm tận dụng lợi ích mà Hiệp định TFA mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kết quả và khuyến nghị từ hội thảo sẽ đóng góp vai trò là thông tin đầu vào giá trị cho Nhóm công tác APEC về doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng chương trình nghị sự APEC về doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian tới; đồng thời đóng góp vào quá trình thảo luận về định hình Viễn cảnh APEC sau 2020.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định TFA được các nước thành viên WTO thống nhất thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (7/12/2013) tại Bali (Indonesia) và trở thành một phần của hệ thống các hiệp định bắt buộc của WTO từ tháng 11/2014. Ngày 22/2/2017, Hiệp định TFA đã chính thức có hiệu lực sau khi được 110/164 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Báo cáo thương mại thế giới cho biết, việc thực hiện đầy đủ TFA có thể giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm 91% so với mức trung bình hiện tại.
Việc thực thi TFA cũng sẽ được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp mới xuất khẩu lần đầu tiên thông qua giảm bớt thời gian và gánh nặng chi phí. Hơn nữa, theo nghiên cứu của WTO, một khi hiệp định TFA thực thi đầy đủ, các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu lên 20-35%.
Nhiều đánh giá chỉ ra rằng, Hiệp định TFA có ý nghĩa rất lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển vì bao gồm các quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) đối với các thành viên kém phát triển (LDCs) và đang phát triển của WTO với hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên WTO này thực thi hiệp định. Hiệp định TFA cũng góp phần vào việc giảm các rào cản kỹ thuật và phi thuế quan để hàng hóa từ các nền kinh tế đang phát triển sẽ được xuất khẩu dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho biết, APEC nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục nỗ lực thực thi hiệu quả Hiệp định TFA, góp phần đẩy mạnh các sáng kiến, hoạt động tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí thương mại cho các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trong khu vực APEC. Sau hai năm thực thi Hiệp định TFA, kim ngạch thương mại quốc tế được đánh giá đã có sự gia tăng rất lớn, trong đó các quốc gia đang phát triển như Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.
Trên tinh thần đó, TP. Hồ Chí Minh - địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động chiếm khoảng 1/3 cả nước, xuất nhập khẩu đạt hơn 85 tỷ USD là một trong những thành phố dẫn đầu về hoạt động kinh tế đối ngoại - rất quan tâm đến việc thực thi và nắm bắt những lợi thế mà Hiệp định TFA mang lại cho các doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do các yêu cầu cải cách trong hiệp định phù hợp với định hướng, chương trình cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh đang triển khai tích cực trên địa bàn. Theo đó, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tích cực cải cách thủ tục hành chính, thành phố đã đưa ra đề án Đô thị thông minh để xây dựng thành phố trở thành điểm đến xứng tầm khu vực.
“Đây cũng là lý do mà Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đã rất tích cực trong việc triển khai các hội thảo, tập huấn nhằm phổ biến những cam kết của TFA và lợi thế mà hiệp định này mang lại cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ dễ dàng nắm bắt thực hiện” - ông Trình cho biết thêm.