Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước đi mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm sáng tạo của cả nước và đạt được những hiệu quả ban đầu nhờ những lợi thế cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vị trí địa lý và nguồn nhân lực khởi nghiệp tại thành phố thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái; doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ; văn hóa khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi thông qua phương tiện truyền thông và các sự kiện khởi nghiệp sáng tạo (KNST). Bên cạnh những lợi thế đó, Hà Nội hiện vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để Thủ đô trở thành Trung tâm sáng tạo của cả nước.
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần nhiều hỗ trợ về vốn |
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh- Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - cho biết, hiện nay vẫn còn thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học. Chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, mặc dù đây là một thành phần đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, các đợt dịch Covid-19 vừa qua đã và đang tác động mạnh vào các khu công nghiệp, nơi tập trung phần lớn lực lượng lao động, những doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo khảo sát nhanh của các sở, ngành, hiệp hội của TP. Hà Nội đối với khoảng 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt là nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng dây truyền từ các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics...
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh: Chi phí xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và công tác triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp
Để bảo đảm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xuyên suốt, liên tục, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là start-up) đã và đang khẳng định tiềm năng phát triển. Để khởi nghiệp thành công, vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hoạt động huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đã bước thêm được một bước tiến quan trọng kể từ khi có đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển |
Trong đó, giải pháp hỗ trợ về tài chính, bên cạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nghiên cứu cấp bảo lãnh tín dụng.
Về thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, ngoài hỗ trợ tư vấn, thành phố miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất.
Để thúc đẩy liên kết ngành, chuỗi giá trị, thành phố miễn phí tra cứu thông tin, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại hội chợ thương mại, chi phí hợp đồng quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ chi phí đo, kiểm tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn…
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, TP. Hà Nội đã triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo… Trong đó, đáng chú ý, doanh nghiệp thành lập mới được thành phố hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, kinh phí dịch vụ chứng thực chữ ký số trong 1 năm đầu hoạt động, kinh phí khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến...”. Từ đó, giúp doanh nghiệp có tiềm lực phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QÐ-TTg (Ðề án 844) nhằm phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với vai trò cầu nối, Báo Công Thương đã và đang tích cực hỗ trợ, kết nối, góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |