Chủ nhật 22/12/2024 00:15

Hộ chiếu vaccine: Kỳ vọng "phá băng" cho hoạt động du lịch?

Gần đây, hộ chiếu vaccine là một khái niệm được nhiều quốc gia nhắc tới với kỳ vọng sẽ mở biên và là giải pháp phục hồi cho hoạt động du lịch trong bối cảnh đóng băng bởi đại dịch Covid-19.

Báo cáo tháng 1/2021 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, năm 2020, du lịch thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sụt giảm 73,9% lượng khách du lịch quốc tế so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm.

Sự sụt giảm về lượng khách quốc tế đã làm giá trị xuất khẩu du lịch quốc tế thiệt hại khoảng 1.300 tỷ USD, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Xét về giá trị đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP, đại dịch cũng đã làm thiệt hại khoảng 2.000 tỷ USD, chiếm hơn 2% tổng GDP kinh tế toàn cầu.

Ngành du lịch toàn cầu đang bị thiệt hại nghiêm trọng do dịch Covid-19

Cho đến nay, ngành du lịch Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ từ đại dịch, các doanh nghiệp trong ngành gần như cạn nguồn lực. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, 4.734 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ du lịch... tạm ngừng kinh doanh và 1.296 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Hơn 17.650 hướng dẫn viên quốc tế gần như thất nghiệp hoàn toàn; gần 8.800 hướng dẫn viên nội địa và hơn 1.000 hướng dẫn viên tại điểm thất nghiệp toàn phần hoặc bán thời gian; gần 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc hoặc giảm thu nhập.

Trong bối cảnh du lịch bị đóng băng, các chuyên gia du lịch quốc tế cho rằng, việc triển khai rộng rãi vaccine Covid-19 sẽ sớm giúp khôi phục niềm tin của du khách, góp phần nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại, từng bước bình thường hóa hoạt động du lịch của thế giới.

Mới đây, Tổng thư ký UNWTO - ông Zurab Pololikashvili - cũng đã kêu gọi toàn thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine ở quy mô lớn hơn và coi đó là một yếu tố không thể thiếu để ngành du lịch hoạt động lại. Theo ông Zurab Pololikashvili, vaccine phải là một phần trong cách tiếp cận rộng hơn và được điều phối bao gồm các chứng nhận và giấy thông hành cho việc đi lại giữa các biên giới.

Đặc biệt, một số quốc gia tại châu Âu, Mỹ và Ấn Độ đang nghiên cứu phát triển "Gói vaccine du lịch Covid-19” dành cho nhóm đối tượng khách hàng là doanh nhân và những người sẵn sàng chi trả cao để được tiêm vaccine sớm. Thay vì đi du lịch thông thường, gói dịch vụ này cho phép du khách bay tới một quốc gia khác để tiêm vaccine và hưởng những dịch vụ cao cấp.

Tuy vậy, hiện khái niệm hộ chiếu vaccine hay gói vaccine du lịch Covid-19 đang gây ra nhiều tranh cãi, bởi nghi ngại về mức độ an toàn thực sự của các giấy tờ cũng như khả năng chúng bị lạm dụng. Ngoài ra, các câu hỏi đặt ra rằng liệu hộ chiếu vaccine có phải là loại giấy tờ bắt buộc cho bất kỳ hoạt động di chuyển nào hay không và các dữ liệu cá nhân sẽ được bảo hộ ra sao?

Chia sẻ về gói vaccine du lịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc VietSense Travel - cho hay, xét trên góc độ kinh doanh, đây là một sản phẩm rất tiềm năng và phù hợp với xu thế. Nó là một sản phẩm dịch vụ dành cho đối tượng khách hàng chịu chi trả, nhưng đây là vaccine và nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của con người. Lượng vaccine sản xuất ra hiện nay cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng cho tất cả mọi người, trong khi lại để dành để phục vụ kinh doanh thì sẽ phát sinh những vấn đề liên quan tới tính công bằng, nhân đạo của thế giới và loài người. Theo đó, bất cứ quốc gia nào có dự thảo về nội dung này cũng sẽ nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều và sự phản đối của công chúng cũng như các cơ quan, tổ chức về nhân quyền.

Còn đánh giá về tiềm năng phát triển gói vaccine du lịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtours - cho rằng, hộ chiếu vaccine có ý nghĩa như một giấy chứng nhận một người không còn mang virus trong người, giống như hiện nay khi chúng ta đi đâu, làm gì đều phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Giấy xác nhận này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, nhưng chứng nhận tiêm vaccine lại có giá trị dài hạn và không có khả năng bị lây nhiễm nữa.

Theo phân tích của CEO Flamingo Redtours, việc tổ chức tour ra nước ngoài để tiêm vaccine, đối với Việt Nam để thực hiện được thì rất khó khăn. Đầu tiên là Việt Nam chưa có các chuyến bay thương mại mà chỉ có các chuyến bay giải cứu công dân và đưa các người lao động, chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài và đón chuyên gia từ nước ngoài về nước làm việc. Thứ 2 là Việt Nam hiện nay mới chỉ công nhận vaccine AstraZeneca, nếu người Việt Nam ra nước ngoài tiêm các loại vaccine khác được nước sở tại thừa nhận, nhưng lại chưa được lưu hành ở Việt Nam thì liệu có được thừa nhận hay không? Thứ 3 là vaccine cần được tiêm 2 mũi với thời gian giãn cách nhau, liệu du khách ra nước ngoài tiêm đủ 2 liều vaccine thì mới quay về hay tiêm xong mũi thứ nhất sẽ bay về nước rồi đến hẹn lại tiếp tục ra nước ngoài tiêm thêm mũi thứ 2?

Cho nên muốn phát triển vaccine du lịch thì Việt Nam phải đáp ứng được những yếu tố trên, phải có 1 quy trình tiêm vaccine phù hợp và phải có 1 tổ chức đứng ra để chứng nhận là du khách đó thật sự đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19”- ông Hoan nhấn mạnh.

Ngành du lịch Việt Nam luôn mong chờ sớm được phục hồi

Ông Phạm Hải Quỳnh - CEO Vân Hải Xanh Travel - cũng bày tỏ, việc có hộ chiếu vaccine hay bất kỳ chứng thực nào chứng minh cho việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, không lây lan trong cộng đồng thì đều được đón nhận và mong muốn. Chính những động thái đó cũng là một trong những điều mà ngành du lịch luôn mong chờ để phục hồi. Tuy vậy, để lựa chọn một quốc gia nào để đưa vào khai thác thì là cả một vấn đề, nó liên quan đến chính sách của Việt Nam, của các nước tiếp nhận hay trực tiếp là các nước có vaccine hay chính sách tiêm vaccine của các quốc gia đó.

Đến nay, các doanh nghiệp lữ hành vẫn hy vọng sẽ có được những chính sách cơ bản để có thể đồng hành và khởi động du lịch quốc tế. “Tuy vậy, trong thời gian chờ đợi tái khởi động thị trường quốc tế, các doanh nghiệp luôn ý thức trong phòng chống dịch, triển khai và lựa chọn những sản phẩm an toàn cho du khách, từ đó chọn ra những sản phẩm phù hợp theo mùa, theo thời điểm để phục vụ khách hàng” - ông Quỳnh cho hay.

Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: hoạt động du lịch

Tin cùng chuyên mục

Du khách Mỹ: Tôi cảm thấy như ở nhà khi đón Giáng sinh tại Hà Nội

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khảo sát các sản phẩm du lịch của đồng bào dân tộc tại Hà Giang

Đà Nẵng: Hàng nghìn du khách bạn trẻ hào hứng cùng thắp sáng Cây thông Ánh sáng

Lần đầu triển khai chiến dịch Đà Nẵng Food Tour với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn

Du lịch Đà Nẵng 2024 phá kỷ lục, tăng trưởng vượt kỳ vọng

Làng rau Trà Quế được công nhận 'Làng Du lịch tốt nhất năm 2024'

Chính thức khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất

Du lịch Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 9,68 triệu lượt khách năm 2025, doanh thu 21 nghìn tỷ đồng

Du lịch xanh bắt đầu từ hành động của mỗi doanh nghiệp

Du lịch Quảng Bình vượt con số 5 triệu lượt khách trong năm 2024

Đà Lạt đẹp lung linh và huyền ảo bởi lễ hội carnaval đường phố "Hoa và Di sản"

Hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2024

Tuần lễ du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2024 có gì đặc sắc?

Có gì hấp dẫn trong lễ hội hoa hướng dương mang phong cách Cowboy lớn nhất năm tại Van Phuc City?

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình dự Lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt năm 2024

Tuần lễ Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024 có gì mới và đặc sắc?

Cát Bà chọn đúng nhà đầu tư tâm huyết phát triển du lịch bền vững

Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn: Cơ hội ‘vàng’ quảng bá du lịch Việt Nam

Săn đồ cũ trở thành xu hướng du lịch của người Việt năm 2025

Whale Island Resort được vinh danh ‘Khu nghỉ dưỡng được yêu thích năm 2024’