Hiệu quả cải cách hành chính tại Quảng Ninh tiếp tục được nâng cao
Ngày 16/4/2022, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số đo lường sự hài lòng, chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện và đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Kết quả được công bố cho thấy, đối với chỉ số Cải cách hành chính (PAR IN DEX), ở khối các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt 88,54 điểm, tăng 1,31 điểm so với năm 2020. Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đạt điểm cao nhất (91,7 điểm); Sở Tài nguyên và Môi trường đạt điểm thấp nhất (81,96 điểm). Khối 13 địa phương, điểm trung bình đạt 89,4 điểm. Thị xã Đông Triều đạt điểm cao nhất (92,7 điểm); huyện Cô Tô là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng (85,8 điểm).
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến xung quanh công tác CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xây dựng Chính quyền điện tử |
Khối 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có điểm trung bình là 89 điểm, giảm 2,1 điểm so với năm 2020. Kho bạc Nhà nước tỉnh đạt điểm cao nhất (94,3 điểm); Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt điểm thấp nhất (74,72 điểm).
Ở khối 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh lần đầu tiên được đưa vào chấm điểm đánh giá chỉ số CCHC, điểm trung bình đạt 70,2 điểm. Trường Đại học Hạ Long là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng (79,2 điểm); Trường Cao đẳng Việt - Hàn đứng cuối bảng xếp hạng (59,46 điểm).
Về chỉ số SIPAS, tỷ lệ trung bình đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất, đạt 96,11%; khối huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 94,55%; khối sở, ban, ngành có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 93,3%
Về chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của các huyện, thị xã, thành phố năm 2021, điểm trung bình đạt được là 72,78 điểm, đạt giá trị trung bình 90,97%, cao hơn 3,91 điểm so với năm 2020. Trong đó, có 12/13 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc và 1 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm tốt. Có 7/8 trục nội dung có điểm trung bình tăng và 1 trục nội dung giảm điểm so với năm 2020. TP Uông Bí là đơn vị đạt điểm cao nhất với (75,24 điểm); huyện Cô Tô đạt điểm thấp nhất (69,77 điểm).
Các tập thể có thành tích trong việc nâng cao Chỉ số đo lường sự hài lòng và Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng |
Đối với chỉ số mức độ Chính quyền điện tử (ICT) năm 2021, đối với các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt được là 88 điểm, cao hơn 12 điểm so với năm 2020. Đây cũng là điểm trung bình mức độ Chính quyền điện tử đạt được cao nhất từ trước đến nay. Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu trong chỉ số này với 111 điểm. Đối với các huyện, thị xã, thành phố, điểm trung bình đạt 138 điểm/190 điểm, đạt 76% so với yêu cầu của Bộ tiêu chí; cao hơn 8 điểm và tăng 5% so với điểm trung bình năm 2020. UBND thành phố Uông Bí đứng ở vị trí đầu tiên với 157,77 điểm. Ở đơn vị cấp xã, mức độ Chính quyền điện tử lần đầu tiên đạt mức khá, đạt điểm trung bình 71,33 điểm, tăng 7 điểm so với năm 2020.
Tại hội nghị, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: “ Việc CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nâng cao hiệu quả quản trị cấp huyện luôn được tỉnh xác định là việc làm lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh”.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế bất cập cũng được chỉ ra, điển hình như trong năm 2021, qua kết quả kiểm tra đột xuất việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng “tồn đọng” hồ sơ, có địa phương tỷ lệ hồ sơ bị quá hạn lên đến hơn 90% trong tổng số hồ sơ được kiểm tra, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng…
Nói về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước mắt là ưu tiên nhanh chóng hoàn thiện việc cập nhật, đồng bộ 25 TTHC thiết yếu theo yêu cầu của Đề án lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Cùng với đó tập trung triển khai thực hiện đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chỉ số CCHC, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị, chỉ số sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử.