Hiệp hội Mía đường khuyến cáo doanh nghiệp tăng giá thu mua mía cho nông dân
Sở dĩ VSSA đưa ra khuyến cáo này xuất phát từ báo cáo của các nhà máy đường về vụ ép 2020/21. Cụ thể, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6.739.417 tấn mía (so với dự kiến đầu vụ là 7.498.060 tấn của các nhà máy đường).
Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000), dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 25 nhà máy hoạt động trong vụ 2019/20.
VSSA khuyến cáo doanh nghiệp tăng giá thu mua mía cho nông dân. Ảnh minh họa |
Phân tích cụ thể nguyên nhân sụt giảm, VSSA chỉ ra: Do một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Đặc biệt giá đường các vụ trước đó xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại. Mặc dù đến đầu năm 2021, khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT các nhà máy đường đã ngay lập tức nâng giá mua mía từ mức 800.000 - 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 - 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng song không thể ngay lập tức tăng nhanh diện tăng diện mía vụ 2021/22.
Do đó, nhìn chung niên vụ 2020/21, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường, nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.
Tuy vậy, theo ông Cao Anh Đương - quyền Chủ tịch của VSSA, có nhiều cơ sở để ngành mía đường kỳ vọng niên vụ 2021/22 sẽ khởi sắc hơn do hai quyết định chống bán phá giá, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương ban hành gần đây.
Cụ thể là Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65% đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm đã mở ra thời kỳ mới cho ngành đường Việt. Sau khi có quyết định áp thuế, giá đường đã nhích lên, giúp đường từ mía trong nước tiêu thụ được. Tiếp đến là Quyết định 2171/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua năm nước là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Với những tín hiệu trên, ngày 12/10, VSSA đã ban hành công văn khuyến cáo các hội viên sản xuất của Hiệp hội tùy vào hoàn cảnh thực tế các địa phương cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía để điều chỉnh tăng giá cho vụ mới sắp đến. Việc tăng giá phải đảm bảo người dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống với cây mía, từ đó yên tâm phát triển cây mía phục hồi vùng nguyên liệu.
Được biết, vụ chế biến 2021/22, VSSA dự kiến còn 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2020/21, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Tính tới tháng 10/2021, theo báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động thì kế hoạch sản xuất niên vụ 2021/22 dự kiến diện tích thu hoạch mía 148.196 ha, sản lượng đưa vào chế biến là 8.599.409 tấn mía.
Để đạt được kế hoạch dự kiến, theo ông Cao Anh Đương, doanh nghiệp ngành mía đường cần chủ động hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt cần xây dựng hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, giữa nông dân và nhà máy đường, theo một tỷ lệ nhất định, theo đúng mức đóng góp của các bên và đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết.