Hát xoan Phú Thọ - Tiếp tục khẳng định sức sống trong đời sống đương đại
Hát Xoan Phú Thọ là nghệ thuật trình diễn hát thờ Vua Hùng, gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Lịch sử ra đời và phát triển của hát Xoan, từ tên gọi, nguồn gốc ra đời đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết liên quan tới thời Hùng Vương. Đặc biệt, hát Xoan được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền, miếu thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng - không gian văn hóa đảm bảo sức sống bền vững của di sản hát Xoan.
Hát Xoan Phú Thọ được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền |
Mối quan hệ chặt chẽ giữa hát Xoan Phú Thọvà Tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay. Việc ghi danh hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự khẳng định lại của quốc tế về giá trị hát Xoan và đóng góp cho sự củng cố các di sản khác, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Di sản văn hóa phi vật thể là sự khẳng định lại của quốc tế về giá trị hát Xoan |
Khi hát Xoan chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 2017, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả vừa bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, đưa di sản hát Xoan Phú Thọ trở thành tài sản vô giá.
Trình diễn hát Xoan gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh |
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã triển khai một cách đồng bộ, bài bản các chương trình, dự án bảo tồn hát Xoan. Trong đó xác định rõ việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản hát Xoan là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đăng tải hàng nghìn tin, bài, phóng sự về hát Xoan Phú Thọ. Đồng thời tổ chức tốt các chương trình trình diễn hát Xoan gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, các chế độ chính sách đối với nghệ nhân hát Xoan và hỗ trợ vật chất, kinh phí đối với các phường Xoan được quan tâm chú trọng. Theo ông Thủy, các nghệ nhận hát Xoan chính là những “báu vật nhân văn sống”, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản hát Xoan. Nhận thức rõ điều này, tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển khai các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy, trong đó có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hằng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, tỉnh đã cấp hỗ trợ kinh phí cho các phường Xoan nhằm gây quỹ hoạt động tạo điều kiện cho các phường Xoan tổ chức sinh hoạt, truyền dạy mua sắm thiết bị…
Nhiều câu lạc bộ hát Xoan được thành lập |
Để duy trì thực hành và truyền dạy hát Xoan Phú Thọ, 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ hát Xoan cấp trường. Cùng với đó, trên 100 Câu lạc bộ hát Xoan và Dân ca ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập và duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan và góp phần lan tỏa mạnh mẽ hát Xoan trong đời sống cộng đồng.
Với mong muốn biến di sản hát Xoan Phú Thọ thành tài sản, những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn di sản hát Xoan gắn với phát triển du lịch, khai thác bền vững giá trị của di sản này bằng cách dựa vào cộng đồng. Qua đó góp phần đưa hát Xoan trở thành một nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa |
Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm, Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ là hoạt động điểm nhấn để phục vụ du khách hành hương về Giỗ Tổ. Hát Xoan Phú Thọ cũng được thường xuyên biểu diễn vào các ngày trong năm. Nổi bật là các buổi biểu diễn, giao lưu của các phường Xoan và các câu lạc bộ hát Xoan của thành phố Việt Trì định kỳ vào tối thứ Bảy tại Công viên Văn Lang; chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại miếu Lãi Lèn, đình Thét (xã Kim Đức), đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái, miếu Cấm (xã Phượng Lâu); biểu diễn phục vụ du khách tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Vườn Vua (huyện Thanh Thủy) vào dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” đã được Sở VHTTDL phối hợp với UBND thành phố Việt Trì công bố vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, đưa Hát Xoan trở thành tài sản, tài nguyên du lịch văn hóa của vùng Đất Tổ. Theo đó, các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn các tiết mục hát Xoan định kỳ tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) và tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì). Trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021, hát Xoan được biểu diễn từ 8 - 16 giờ hằng ngày để phục vụ đồng bào, du khách hành hương về Đất Tổ; đồng thời gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa mang đậm nét truyền thống như tham quan làng cổ, chợ quê, làm bánh chưng, bánh giầy…
Với nhiều cách làm cụ thể, kết hợp bảo tồn với khai thác hợp lý và hiệu quả, tỉnh Phú Thọ đã từng bước biến di sản hát Xoan thành tài sản, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, đưa hát Xoan đến với đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Điều đó khẳng định nỗ lực cố gắng của chính quyền và cộng đồng người dân tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan, để Hát Xoan Phú Thọ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và trường tồn với thời gian.