Thứ tư 27/11/2024 13:50

Hàng nghìn hộ dân ở Kiên Giang thiếu nước sạch sinh hoạt

Không chỉ các xã ven biển không có nguồn nước sạch sử dụng, ngay xã Đông Thái nằm trên tuyến quốc lộ 80, người dân cũng “sống dở, chết dở” vì không có nguồn nước để sử dụng.

Bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân huyện An Biên (Kiên Giang) trở nên trầm trọng hơn, nhất là những nơi không khoan được giếng bơm tay và vùng ven biển.

Ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Biên, cho biết năm nào cũng vậy, đến mùa khô, người dân trên địa bàn các xã ven biển và xã Đông Thái lại lâm vào cảnh thiếu nguồn nước để sinh hoạt.

Nhiều hộ dân ngụ ấp Trung Xinh, xã Đông Thái phải mua nhiều lu chứa nước nhưng vẫn thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô

Với tình trạng luôn thiếu nước, năm 2018, dự án cung cấp nước sạch cho người dân có vốn đầu tư 147 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh. Dự án đã đi vào hoạt động đảm bảo cung cấp sạch cho hơn 5.000 hộ dân thuộc năm xã ven biển của huyện An Biên. Năm xã này có tổng số dân khoảng 10.000 hộ, trong khi dự án chỉ mới đảm bảo cấp nước cho 5.000 hộ, tương đương với 50% số dân.

Trạm cấp nước khu vực năm xã liên huyện An Biên đặt tại xã Nam Yên, hiện công suất của nhà máy luôn đảm bảo hơn 2.800m3 nước/ngày, gần đạt công suất thiết kế 2.900m3/ngày. Do nguồn vốn thực hiện dự án có hạn, 50% số dân còn lại của các xã được hưởng lợi từ dự án vẫn chưa có nước sạch để dùng. Số hộ chưa có nước sinh hoạt này chủ yếu nằm xa trung tâm xã và vùng ven bờ biển.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A Lê Văn Hai, khoảng 1.200 hộ trên địa bàn xã đang cần nước sạch sinh hoạt. Những hộ dân này hầu hết nằm ở xa và rải rác trong các tuyến kênh rạch nên dự án chưa thể kéo tới.

Bà Trần Thị Bé Nhi, Phó Bí thư Chi bộ ấp Xẻo Vẹt, xã Nam Thái A, cho biết địa bàn ấp có trên 500 hộ dân. Người dân trong ấp không có nguồn nước ngọt sử dụng, xây giếng bơm tay lại bị nhiễm phèn, mặn. Vì vậy, những gia đình có điều kiện, mua nhiều lu chứa nước mưa sử dụng vào việc nấu ăn, còn nước sinh hoạt tắm, giặt đều phải mua từ nơi khác chở đến với giá rất cao. Trung bình, một hộ mất từ 400.000-500.000 đồng/tháng. Thông qua công trình thanh niên được thực hiện với việc lắp đồng hồ nước, kéo ống dẫn nước miễn phí cho người dân, 260 hộ dân trong ấp đã được sử dụng nước sạch.

Không chỉ các xã ven biển không có nguồn nước sạch sử dụng, ngay xã Đông Thái nằm trên tuyến quốc lộ 80, người dân cũng “sống dở, chết dở” vì không có nguồn nước để sử dụng.

Ông Võ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đông Thái, chia sẻ toàn xã có 1.619 hộ ở các ấp Nam Quý, Trung Quý, Dân Quân, Thành Trung, Trung Xinh không có nước sinh hoạt sử dụng. Nguyên nhân là đất nơi đây bị nhiễm phèn, mặn không thể xây được giếng bơm tay. Mùa mưa sử dụng nước trời, các hộ dân mua lu, kiệu chứa nước sử dụng dần. Đến mùa khô, các lu chứa nước không thể đủ dùng cho cả gia đình trong việc tắm, giặt, nấu nướng cho cả mùa khô, kéo dài từ 5-6 tháng. Vì vậy, đa số người dân phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá rất cao, khiến cho cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn.

Mỗi khi xuống địa bàn ấp họp dân, điều đầu tiên mà người dân cần nhất không phải là nhà hay tiền, gạo mà là nước sinh hoạt. Họ nói có đói ăn rau, cháo được chứ thiếu nước sinh hoạt kéo dài, người dân không thể sống nổi, ông Võ Thanh Tùng nói.

Bà Lê Kiều Hoa, Bí thư Chi bộ - Trưởng ấp Trung Xinh, xã Đông Thái, cho biết địa bàn có 246 hộ dân, tất cả đều không có nước sạch sinh hoạt để sử dụng. Thấy tình cảnh khó khăn về nước sinh hoạt, nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ giếng bơm tay. Tuy nhiên, giếng khoan xong, nguồn nước bị nhiễm phèn vàng không sử dụng được.

Bà Phạm Thị Tài, ngụ tổ 4, ấp Trung Xinh, cho biết gia đình sinh sống ở đây hơn 30 năm. Trước đây, khi chưa quy hoạch nuôi tôm, đến mùa khô, người dân vẫn còn nguồn nước dưới ao sử dụng cho việc tắm giặt. Gần chục năm nay, khi vùng đất chuyển sang nuôi tôm, mùa khô luôn khắc nghiệt với người dân ở đây. Mua lu chứa nước chỉ đủ để nấu nướng, rửa bát, chưa thể nói đến tắm giặt, chăn nuôi.

Trung bình một gia đình bốn người tiết kiệm lắm phải mất 600.000 đồng/tháng. Vì vậy, khi có nhà hảo tâm xây cho cây nước cho dân, cũng để rửa chuồng, tắm cho lợn. Bà Tài cho biết, lúc đầu mua giống lợn về nuôi lấy thịt, dùng nguồn nước từ giếng bơm tay tắm cho lợn con, mấy hôm tất cả đều chuyển lông màu vàng làm bà tá hỏa vì tưởng mua nhầm giống lợn rừng!

Em Hà Thị Mỹ Phương, ngụ tổ 3, ấp Trung Xinh, học sinh lớp 10 Trường Trung học Phổ thông Đông Thái, huyện An Biên, cho biết thường ngày đi học về, em phụ giúp cha mẹ rửa bát, phải rửa bằng nước bị nhiễm mặn trước, sau đó mới rửa lại bằng nước sạch đổi từ những nơi khác đem đến. Bộ áo dài trắng đồng phục đi học, không dám giặt bằng nước giếng bơm tay hay nước kênh vì sẽ bị ố vàng, phải giặt từ nguồn nước mua. Dù có sử dụng nguồn nước rất tiện tặn, một tháng, gia đình em phải trả gần 800.000 đồng tiền mua nước được người khác chở đến.

Theo ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Biên, do đặc thù địa bàn sông rạch chằng chịt, vùng ven biền, nguồn nước mặt bị nhiễm phèn, mặn không xây dựng được giếng bơm tay sử dụng.

Khi có dự án đầu tư cấp nước sạch, các hộ dân nằm dọc theo tuyến lộ là có điều kiện kéo ống nước đến nhà sử dụng. Các hộ dân ở thưa thớt trong các con rạch đành chịu không còn cách nào tốt hơn. Về lâu dài, huyện tiếp tục kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ kéo ống nước, mua đồng hồ về cho người dân sử dụng.

Địa bàn xã Đông Thái, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có dự án cấp nước sạch. Huyện đang đề xuất tỉnh để có phương án xây dựng nhà máy nước, trước mắt dẫn đường ống về cho người dân có nước để sinh hoạt.

Theo vietnamplus
Bài viết cùng chủ đề: Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu