Hàng loạt trạm cân trái phép hoạt động bất chấp pháp luật ở Kon Tum
Bát nháo trạm cân trái phép hoạt động công khai
Thời gian gần đây, Báo Nhà báo và Công luận liên tục nhận được phản ánh về tình trạng nhiều trạm cân nông sản không phép trên địa bàn huyện biên giới vẫn hoạt động rầm rộ, bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Đáng nói, các xe chở nông sản có trọng tải lớn vẫn tấp nập ra vào các trạm cân nằm dọc các tuyến Quốc lộ 14C,Tỉnh lộ 675 và 671 xuất, nhập nông sản, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao.
Điển hình là trạm cân của ông T.Q.B nằm ngay mặt tiền đường Tỉnh lộ 675. Mặc dù, trạm cân này không được cấp phép nhưng vẫn xây dựng và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Sa Bình vẫn chỉ dừng lại ở mức lập biên bản nhắc nhở.
Trạm cân trái phép nằm dọc tuyến Tỉnh lộ 675 đoạn qua địa bàn xã Sa Bình (ảnh Trần Hiền) |
Trao đổi với PV, ông A Thuy – Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết: “Trên địa bàn xã có 2 trạm cân không phép. Xã đã xử phạt vi phạm hành chính một trạm cân, trạm cân còn lại anh em đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt hành chính mà đã xử phạt hành chính là phải tạm dừng hoạt động”.
Trả lời câu hỏi, chính quyền địa phương ở đâu khi để trạm cân trái phép hoạt động trong một thời gian dài vẫn không bị xử phạt và tạm dừng hoạt động ?, ông A Thuy lý giải: “Đối với trạm cân này xã cũng đã đi kiểm tra nhiều lần, tuy nhiên trước khi làm hộ này cũng đã làm đơn xin chuyển đổi mục đích. Vì vậy, trong thời gian chờ xã cũng du di cho người dân hoàn thiện thủ tục…”.
Trạm cân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ năm 2020 đến nay vẫn chưa bị xử lý (ảnh Trần Hiền) |
Tương tự, xã Ya Tăng cũng có một trạm cân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trạm cân này của hộ ông B.V.C. Theo lãnh đạo UBND xã Ya Tăng, trạm cân này xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dường như chính quyền địa phương vẫn đang “ngó lơ” để trạm cân tồn tại trái phép. Dù hoạt động 3 năm nay, song UBND xã vẫn chưa có một biên bản xử phạt vi phạm hành chính nào, việc giải quyết sai phạm của địa phương chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở.
Cũng theo ghi nhận của PV, dọc các tuyến Tỉnh lộ 671 còn có nhiều trạm cân không phép nằm trên địa bàn các xã Ya Xiêr và Ia Ly (huyện Sa Thầy). Trên tuyến đường này, mỗi ngày có đến cả trăm chuyến xe chất đầy mì ra vào các trạm cân. Vì mật độ các trạm cân nông sản dày đặc, nhiều xe cộ ra vào tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông vào giờ cao điểm.
Trên địa bàn huyện Sa Thầy có 12 trạm cân xây dựng trái phép, chưa chuyển đổi đất theo quy định (ảnh Trần Hiền) |
Ngoài các tuyến Tỉnh lộ 675 và 671, các trạm cân trái phép còn “mọc lên” như nấm dọc Quốc lộ 14C đoạn qua địa bàn xã Mo Rai. Theo ông Phạm Quang Thắng - Chủ tịch UBND xã Mo Rai, xã có tất cả 4 trạm cân nông sản nhưng chỉ có 1 trạm cân có phép. Thời gian qua, xã đã vận động 1 trạm cân xây trái phép tháo dỡ; 1 trạm cân dừng hoạt động và trạm cân còn lại đang xin tạm dừng để tháo dỡ theo quy định.
Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xử lý các trạm cân trái phép
Trước thực trạng bất chấp quy định, xây dựng trạm cân nông sản trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh này đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động, đầu tư xây dựng các trạm cân thu mua nông sản.
Trạm cân hoạt động trái phép nằm trên Tỉnh lộ 671 đoạn qua địa bàn xã Ia Ly (ảnh Trần Hiền) |
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tăng cường công quản lý hoạt động, đầu tư, xây dựng các trạm cân thu mua nông sản trên địa bản quản lý theo thẩm quyền; không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và các cơ quan khác.
Thực hiện chỉ đạo, các địa phương thuộc tỉnh Kon Tum đồng loạt lập đoàn liên ngành, kiểm tra công tác quản lý, xây dựng các trạm cân nông sản. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận trên địa bàn huyện Sa Thầy có tất cả 16 trạm cân nông sản. Trong đó có 4 trạm cân có phép, được xây dựng đúng quy định trên đất đã chuyển đổi đất thương mại dịch vụ. 12 trạm cân còn lại đều xây dựng trái phép, chưa chuyển đổi đất theo quy định. Nhiều trạm cân còn bất chấp xây dựng trên đất nông nghiệp và hoạt động trong một thời gian dài.
Trạm cân được xây dựng trái phép nằm trên tuyến Quốc lộ 14C thuộc xã Mo Rai (ảnh Trần Hiền) |
Ông Hoàng Văn Hào - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sa Thầy cho biết, “Huyện đã vận động 2 trạm cân nông sản xây dựng trên đất nông nghiệp tiến hành tháo dỡ, còn các trạm cân chưa đủ thủ tục theo quy định, đoàn đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng. Các trạm cân đã cam kết tạm dừng trong 60 ngày để hoàn thành các thủ tục pháp lý. Nếu các trạm cân này không hoàn thành huyện sẽ kiến nghị tháo dỡ, trả lại nguyên hiện trạng. Đoàn đã giao cho UBND các xã giám sát, nếu các trạm cân vi phạm, không tạm dừng sẽ buộc cưỡng chế, tháo dỡ”.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Kon Tum có 140 trạm cân thu mua nông sản, trong đó có 30 trạm cân của tổ chức, doanh nghiệp và 110 trạm cân của hộ gia đình, cá nhân. Về xây dựng, trên địa bàn có 83/140 trạm không phù hợp quy hoạch, 43/140 trạm xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng. Về đất đai, có 104 trạm không phù hợp mục đích sử dụng đất và 71 trạm không phù hợp quy hoạch đấu nối giao thông.
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các huyện, thành phố tạm dừng hoạt động đối với tất cả các trạm cân thu mua nông sản của tổ chức, hộ gia đình cá nhân khi chưa đủ các điều kiện hoạt động theo quy định.