Hãng hàng không Vietnam Airlines công bố lỗ ròng 2.685 tỷ đồng trong Quý I/2022
Thông tin công bố lỗ ròng đã được Hãng hàng không Vietnam Airlines (Vietnam Airlines) công bố trên trang web chính thức và gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 11.620 tỷ đồng, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất hãng bay này đạt được kể từ Quý II/2020.
Trong quý đầu năm, doanh thu bán hàng của Vietnam Airlines tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.177,1 tỷ đồng; doanh thu vận tải hàng không tăng 63,4% lên 8.403,4 tỷ đồng; doanh thu khác cũng tăng mạnh lên mức 211,5 tỷ đồng.
Trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 3 tháng đầu năm 2022 ở mức 2.685,7 tỷ đồng |
Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán lên tới 13.214,9 tỉ đồng, Vietnam Airlines vẫn báo lỗ gộp 1.594,8 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 3 tháng đầu năm 2022 ở mức 2.685,7 tỷ đồng; lỗ sau thuế của công ty mẹ là 2.613 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng bay này.
Cùng kỳ năm 2021, đại dịch và số chuyến bay hạn chế, dừng bay quốc tế đã khiến hãng này lỗ 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, số lỗ có giảm đi nhưng tính đến cuối tháng 3/2022, vốn chủ sở hữu đã âm 2.160 tỷ đồng và lỗ lũy kế đã lên đến gần 24.600 tỷ đồng, đối diện với nguy cơ hủy niêm yết nếu không có những biện pháp khắc phục dòng vốn.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, Vietnam Airlines đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu nhờ thực hiện đợt tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 64.015,5 tỷ đồng. Số dư nợ vay và nợ thuế tài chính (ngắn hạn và dài hạn) là hơn 34.100 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nguồn vốn.
Thực tế cho thấy, trong Quý I/2022, việc Cục Hàng không Việt Nam gỡ bỏ kiểm soát số lượng chuyến bay của các hãng cùng với chính sách nới lỏng có kiểm soát trong công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, lễ 30/4 đã thúc đẩy hoạt động vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ.
Thị trường nội địa ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên thị trường quốc tế phục hồi còn chậm do các hạn chế về việc nhập cảnh và cách li tại một số quốc gia.
Bên cạnh đó, giá dầu có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao trong 3 tháng đầu năm trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine còn nhiều bất ổn khiến doanh thu của các hãng, trong đó có Vietnam Airlines có tăng nhưng vẫn là gánh nặng rủi ro.
Theo tính toán, với giá dầu 3 tháng đầu năm đưa vào chi phí là 95,12 đô la Mỹ/thùng (giá dầu các hãng cơ bản đều chịu chi phí như nhau – NV) thì chi phí nhiên liệu 3 tháng đầu năm của các hãng như Vietnam Arilines, Vietjet bình quân có số chuyến bay khoảng 400 chuyến/ngày có thể lên đến trên 3.200 tỷ đồng, chiếm trên 30% tỷ trọng chi phí vận tải hàng không.
Riêng Vietnam Airlines, theo Báo cáo giải trình thì chi phí Quý I của công ty mẹ tăng gần 24%, tính ra khoảng 2.900 tỷ đồng chủ yếu do giá nhiên liệu tăng.