Hải quan hỏi, 4 năm Cục Quản lý Dược chưa trả lời, doanh nghiệp lãnh đủ
Phát sinh nhiều vướng mắc
Ngày 28/8/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 1851/SB-ĐHHN, phản hồi kiến nghị của Công ty Cổ phần Tường Bảo My, về việc công ty này “tố” bị lực lượng Hải quan làm khó khi thực hiện thủ tục hải quan.
Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ khoản 1, Điều 35, Thông tư số 06/2011/TT-BYT: “Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp số tiếp nhận”.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục hải quan, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ghi nhận có sự khác biệt về dạng sản phẩm giữa khai báo trên tờ khai, hồ sơ và phiếu công bố mỹ phẩm đã “gây khó dễ” cho doanh nghiệp.
Trong văn bản trả lời Công ty Cổ phần Tường Bảo My và văn bản báo cáo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dẫn các văn bản của Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng như quy định của pháp luật cho biết, quy định việc khai báo, kiểm tra công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu chưa rõ ràng, dẫn đến có cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cán bộ làm thủ tục.
Nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc nhập khẩu mỹ phẩm, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Ảnh: Tạp chí Hải quan |
Theo đó, dù Nghị định số 155/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ khoản 1, Điều 35, Thông tư số 06/2011/TT-BYT, tuy nhiên, trong Văn bản số 22469/QLD-CP, về triển khai thực hiện nghị định này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế lại hướng dẫn: “Doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm, không cần xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, doanh nghiệp chỉ cần khai báo và cơ quan Hải quan sẽ tra cứu thông tin về số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin một cửa quốc gia”.
Như vậy, theo hướng dẫn của Cục Quản lý Dược, khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp không cần xuất trình Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, tuy nhiên, lực lượng Hải quan vẫn có trách nhiệm tra cứu thông tin về số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược cấp.
Thực tế triển khai Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, không ít doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm cũng gặp khó khăn, vướng mắc tương tự. Một số doanh nghiệp từng “phàn nàn” về việc không thống nhất các hướng dẫn thủ tục hải quan làm phát sinh thời gian, chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục hải quan cho các lô hàng của công ty.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn phát sinh trường hợp người khai hải quan được doanh nghiệp có số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm ủy quyền nhập khẩu mặt hàng trong Phiếu công bố và người khai hải quan nộp văn bản ủy quyền trong hồ sơ hải quan.
Có hay không chuyện "Hướng dẫn không sai, nhưng chưa phù hợp"?
Văn bản số 22469/QLD-MP về việc triển khai thực hiện Nghị định 155/2018/NĐ-CP được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ban hành 7/12/2018. Nhận thấy văn bản này chưa phù hợp, có thể làm phát sinh thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, ngày 25/1/2019, Tổng cục Hải quan đã có ý kiến tại Văn bản số 602/TCHQ-GSQL gửi Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Tổng cục Hải quan cho rằng: “Việc Cục Quản lý Dược yêu cầu doanh nghiệp khai báo và cơ quan Hải quan tra cứu số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin một cửa quốc gia là không phù hợp với quy định nêu trên, làm phát sinh thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Do vậy, cơ quan Hải quan không có cơ sở để thực hiện”.
"Trường hợp Bộ Y tế nhận thấy việc nộp/khai báo số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin một cửa quốc gia là cần thiết để đảm bảo chặt chẽ trong việc quản lý mỹ phẩm, đề nghị Cục Quản lý Dược đề xuất đưa nội dung này và trình cấp có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm giá trị pháp lý khi thực hiện", Tổng cục Hải quan đề nghị.
Đánh giá về Văn bản số 22469/QLD-MP của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, hướng dẫn này không trái với điểm c, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế chưa có văn bản phản hồi Công văn số 602/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan và chưa có hướng dẫn nào khác với Văn bản số 22469/QLD-MP, dẫn tới có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan.
Như vậy, câu chuyện nêu trên không chỉ là một sự việc cụ thể mà cho thấy đó là một vấn đề liên quan đến bất cập chính sách, gây nhiều phiền phức cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kéo dài tới hơn 4 năm nhưng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, thậm chí "người hỏi, người im lặng", chỉ có doanh nghiệp là "lãnh đủ". Một sự việc như vậy mà kéo dài tới 4 năm vẫn chưa có hồi thì kết quả là một điều không thể chấp nhận trong cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Không hiểu Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Dược có thấu nỗi khổ cực của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tường Bảo My?
Hi vọng rằng qua sự việc này, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Dược sẽ sớm quan tâm, giải quyết thấu đáo, có hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho lực lượng hải quan ở cơ sở cũng như doanh nghiệp, để không còn tình trạng doanh nghiệp bị kiểm tra thì chưa "tâm phục khẩu phục", dẫn tới đơn thư kéo dài ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng hải quan đang quyết tâm đổi mới vì nhân dân phục vụ!
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin.