Hai "nhất" không vui miền Tây Bắc
Tây Bắc là vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước (Ảnh minh họa, nguồn internet) |
Mới đây, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) từ năm 2010- 2014 của các vùng và các tỉnh, thành phố trong cả nước, dựa trên giá của 1.581 mặt hàng từ điều tra giá tiêu dùng 3 kỳ/tháng của 12 tháng trong năm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hà Nội được lựa chọn là gốc để so sánh với các tỉnh, thành phố khác; Đồng bằng sông Hồng là vùng gốc để so sánh với các vùng khác.
So sánh các Chỉ số SCOLI, có những thực tế không thể bàng quan.
Trước hết, Tây Bắc là vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước. Mức độ đắt đỏ có xu hướng ngày càng tăng, từ trên 4% năm 2010 lên 8,8% năm 2014. Giá cả hầu hết các nhóm hàng hóa, đặc biệt là nhóm may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông, thiết bị gia đình... ở Tây Bắc đều cao hơn Đồng bằng sông Hồng từ 2- 9%, nguyên nhân có thể do chi phí lưu thông cao. Rất quan ngại, bởi đồng bào dân tộc Tây Bắc đã nghèo nhất cả nước lại phải chịu giá cả sinh hoạt cao nhất cả nước, hai chữ “nhất” đối nghịch nhau!
Về không gian các địa phương, Hà Nội là nơi có mặt bằng giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất trong các tỉnh, thành phố.
Từ vị trí địa phương đắt đỏ nhất cả nước giai đoạn 2010- 2012, TP.Hồ Chí Minh lui xuống thứ 4 trong năm 2013 và thứ 6 trong năm 2014, lý do: Chương trình bình ổn giá đã giúp giá lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ uống... không tăng đột biến.
Tuy nhiên, chi phí cho giáo dục của TP.Hồ Chí Minh vẫn đứng “cao chót vót” cả nước, bằng 168,59% so với Hà Nội- con số mà những nhà quản lý giáo dục và bậc cha mẹ học sinh không thể không lưu tâm.
Thực tế, nhiều nhóm hàng của TP.Hồ Chí Minh có chỉ số giá thấp hơn Hà Nội 6- 22%, theo các chuyên gia, một phần do hệ thống phân phối ở Hà Nội phát triển ở trình độ thấp cả về số lượng và chất lượng. Hiện Hà Nội có khoảng 80 siêu thị, 20 trung tâm thương mại, 400 chợ, 1.000 điểm bình ổn giá, 200 cửa hàng tiện lợi, trong khi TP.Hồ Chí Minh có 100 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, 240 chợ, 7.500 điểm bình ổn giá, 700 cửa hàng tiện lợi. TP.Hồ Chí Minh có hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm được thiết lập rất bài bản, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào cho khâu bán lẻ... Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện chỉ số giá sinh hoạt.
Dù Chỉ số SCOLI chỉ là tương đối, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không thể không quan tâm.