Hà Nội vì sao cứ mưa lớn là "mênh mông biển nước"?
Chiều tối ngày 12/5 vừa qua, Hà Nội chứng kiến cơn mưa rào kèm theo dông lớn, với lượng mưa dao động từ 70-100 mm, một số khu vực đã ghi nhận lượng mưa vượt quá 100 mm chỉ trong vòng 4 giờ (từ 18h đến 22h). Các quận, huyện có lượng mưa lớn nhất bao gồm: Ba Đình (102 mm), Đống Đa (96 mm), Hoàn Kiếm (86 mm), Hai Bà Trưng (127 mm), Thanh Xuân (85 mm), Hoàng Mai (90 mm), Cầu Giấy (63 mm), Nam Từ Liêm (99 mm), Hà Đông (132 mm), và Thanh Trì (120 mm).
Cứ mưa lớn là ngập, vì sao?
Cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đã khiến nhiều tuyến phố ngập sâu, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực Đại lộ Thăng Long, đường Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn và Vương Thừa Vũ. Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (HSDC), nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt là do cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh, khiến nước dồn về khi mưa lớn. Thêm vào đó, hệ thống thoát nước hiện tại vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch, dẫn đến việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn gặp nhiều hạn chế.
Chiều tối ngày 12/5 vừa qua, Hà Nội chứng kiến cơn mưa rào kèm theo dông lớn, với lượng mưa dao động từ 70-100 mm, một số khu vực đã ghi nhận lượng mưa vượt quá 100 mm chỉ trong vòng 4 giờ. Ảnh: Công Thương điện tử |
Ngoài ra, công tác quản lý và duy trì hệ thống thoát nước đang được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Hệ thống thoát nước được chia thành nhiều gói thầu, với nhiều chủ đầu tư và đơn vị thoát nước tham gia, khiến việc vận hành của hệ thống không đồng bộ và liên tục. Nhiều dự án đã hoàn thành thi công nhưng chưa được thanh thải, bàn giao, tiếp nhận để quản lý khai thác sử dụng, do đó chưa thể phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ, đã được xây dựng từ năm 1954, và sau hơn 50 năm vận hành, đã có dấu hiệu xuống cấp và sụt lún, gây mất an toàn. Các hồ điều hòa trong khu đô thị do các chủ đầu tư khác quản lý vận hành chưa liên kết với hệ thống thoát nước của khu vực, do đó chưa thể hiện được vai trò điều tiết chung. Các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm bơm đầu mối, các hồ trong khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cũng tạo áp lực cho hệ thống thoát nước hiện có.
Theo thiết kế, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện có thể đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Tuy nhiên, vào tối 12/5, nhiều điểm mưa ở Hà Nội đã lên đến trên 100 mm chỉ trong 2-3 giờ, gây ra những điểm ngập với độ sâu dao động từ 10-40 cm.
Lãnh đạo HSDC cho rằng, lưu vực sông Tô Lịch hiện được đầu tư bởi dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2, do đó hầu hết khu vực trong nội đô Hà Nội có thể chịu được các trận mưa lớn 310 mm trong vòng hai ngày.
Các lưu vực khác phụ thuộc vào hệ thống tự chảy của sông Nhuệ và sông Cầu Bây, hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống nông nghiệp thủy lợi, nên công suất thoát nước còn kém. Do đó, các điểm ngập nặng trong tối 12/5 chủ yếu tập trung ở khu vực phía tây thành phố.
Khi nào hết điệp khúc cứ mưa là ngập?
Về giải pháp chống ngập, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và thành phố. Trong đó, điểm nhấn là việc đưa vào vận hành "Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước" với các trang thiết bị, công nghệ hiện đại như bản đồ số quản lý các điểm úng ngập. Hệ thống này giúp dự báo, cảnh báo các tình huống có thể xảy ra trước khi mưa và điều hành, điều tiết hệ thống thoát nước thành phố hiệu quả.
Bên cạnh hệ thống hiện đại, HSDC còn sở hữu đội ngũ hơn 2.000 cán bộ công nhân viên có trình độ, lành nghề, sẵn sàng ứng trực 24/7 tại các điểm úng ngập tiềm ẩn và xử lý nhanh chóng các trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, HSDC cũng phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong việc triển khai các giải pháp chống úng ngập. Theo đó, thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia. Hệ thống này sẽ giúp thiết lập bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản mưa, cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, mức độ ngập và hình ảnh điểm ngập cho các đơn vị liên quan như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và người dân.
Theo Quy hoạch Thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, hệ thống thoát nước mưa ở nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ và Long Biên (gồm sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải). Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch trên, Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng với 77,5 km2 lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, để đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước cho khu vực thuộc các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Còn lại, thành phố chưa hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho 62 km2 lưu vực sông Cầu Bây và hệ thống tiêu thoát nông nghiệp kênh Bắc Hưng Hải (Long Biên), 47 km2 lưu vực hữu Nhuệ và 58 km2 lưu vực tả Nhuệ đáp ứng nhu cầu cho các quận huyện: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, một phần quận Tây Hồ và huyện Thanh Trì. Trong đó, 3 trạm bơm có trong quy hoạch hiện chưa được xây dựng: Liên Mạc (công suất 170 m3/s), Gia Thượng (65 m3/s), Cự Khối (65 m3/s). Riêng có trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120 m3/s đã hoạt động nhưng chưa thể vận hành hết công suất do hệ thống kênh dẫn nước từ La Khê vẫn thi công dang dở. |