Thứ sáu 15/11/2024 12:19

Hà Nội: Sôi nổi khí thế sản xuất đầu Xuân

Ngay sau những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại khắp các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội, công nhân viên chức lao động đã quay trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng Xuân mới, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Theo ông Nguyễn Hợp Tiến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Chương Mỹ (Hà Nội) - ngay trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết (tức ngày mùng 7 tháng Giêng), hầu hết công nhân lao động thuộc các đơn vị trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã trở lại làm việc bình thường. Cụ thể: 100% cán bộ viên chức khối hành chính, sự nghiệp đã đi làm; riêng khối trường học đội ngũ cán bộ, giáo viên đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc dạy học trực tiếp. Tính đến 8h30 ngày 7/2, công nhân lao động tại các nhà máy, công ty, doanh nghiệp đã trở lại làm việc bình thường, đạt tỷ lệ 96,5%. Các công nhân về quê ăn Tết liên quan đến các vùng dịch đã thực hiện nghiêm túc khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc theo quy định.

Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội)

Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất, LĐLĐ huyện kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng công nhân, viên chức, lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhìn chung, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều tổ chức khai xuân vào mùng 7 Tết (ngày 7/2), trên 90% công nhân, viên chức, lao động đã trở lại làm việc, đảm bảo đúng thời gian quy định; số còn lại mùng 8, mùng 9 Tết (ngày 8, 9/2) sẽ quay trở lại làm việc bình thường, không có tình trạng công nhân lao động bị doanh nghiệp cho nghỉ việc sau khi nghỉ Tết. Đầu xuân, công nhân, viên chức, lao động đi làm việc với tinh thần phấn khởi, yên tâm công tác, sản xuất.

Khái quát về tình hình chung của công nhân viên chức lao động trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội - cho biết, đến khoảng 11h ngày 7/2, qua nắm bắt tại các đơn vị, lực lượng lao động trong các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã quay trở lại làm việc chiếm tới 98%. Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã nỗ lực và thực hiện quyết tâm trước LĐLĐ thành phố, hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để công nhân lao động nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo tổng hợp của LĐLĐ thành phố Hà Nội, tính đến 10h00 ngày 7/02/2022 (tức ngày mùng 7 Tết Nguyên đán), có 90,24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 96,13% số công nhân trở lại làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Với khí thế thi đua lao động, sản xuất đầu xuân, nhiều doanh nghiệp đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất đến từng dây chuyền, tổ sản xuất, đề ra các mục tiêu phấn đấu có nhiều sản phẩm chất lượng cao để khen thưởng. Nỗ lực chăm lo của các doanh nghiệp trong thời điểm trước và sau Tết không chỉ tạo động lực làm việc cho người lao động mà còn góp phần ổn định quan hệ lao động tại đơn vị. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn đến người lao động sau dịp Tết Nguyên đán như tổ chức chuyến xe đưa đón, tặng tiền thưởng, lì xì,… cho công nhân quay lại làm việc đúng lịch là giải pháp doanh nghiệp thực hiện để "kéo" công nhân quay lại nhà máy. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ lễ; hứa hẹn một năm thắng lợi hơn.

Về phía người lao động, phần lớn đều cho biết, họ vui mừng khi được trở lại làm việc và hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để hoạt động sản xuất của công ty không bị gián đoạn.

Ghi nhận không khí lao động sản xuất hăng say ngay trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022 trong chiều ngày 7/2 tại Công ty CP Cơ khí - xây lắp - thương mại Minh Cường (huyện Đông Anh), bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội tin tưởng, mong muốn huyện Đông Anh, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm mới, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất để thực hiện chỉ đạo của thành phố là tập trung phục hồi, phát triển kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Tương tự, ghi nhận không khí thi đua của những ngày Xuân mới trong chiều ngày 7/2, về phía ông Ngô Văn Tuyến - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội - đề nghị, ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm, các cấp công đoàn huyện cần bắt tay ngay vào việc, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình công tác năm. Trong đó, chú trọng rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ để có phương án thực hiện trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; tập trung nắm bắt tình hình, tư tưởng công nhân viên chức lao động; xây dựng kế hoạch về phát triển đoàn viên.

Ông Ngô Văn Tuyến cũng lưu ý, sau Tết, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Do đó, LĐLĐ huyện cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chăm lo đời sống công nhân lao động, nhất là những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời rà soát các trường hợp công nhân đã không về quê ăn Tết, công nhân có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục có hỗ trợ phù hợp.

Chủ trì cuộc họp ngay ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 7/2), ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương phải bắt tay ngay vào công việc, với tinh thần quyết liệt; tập trung vào sản xuất, kinh doanh gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát, đẩy mạnh các công trình, dự án trọng điểm, các công trình đang thi công, đốc thúc các nhà đầu tư triển khai các dự án đã được tháo gỡ vướng mắc, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cần thiết phải tổ chức giao ban hằng tuần, quyết tâm hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; tổ chức mở lại các dịch vụ, trong đó có du lịch, các địa điểm tham quan, di tích văn hóa, tâm linh; rà soát, triển khai tốt công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Lễ hội Kanagawa Festival 2024 tại Đà Nẵng

Hoà Bình: Cấm lưu thông tại một số tuyến đường trong Tuần Văn hóa - Du lịch 2024

Cảng biển Dung Quất vẫn chưa đáp ứng đúng kì vọng

Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển logistics, thu hút đầu tư vào hạ tầng

Thanh Hóa: 400 cán bộ, chiến sĩ bảo đảm an ninh Lễ Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc

Phương án sắp xếp hành chính tỉnh Nam Định: Giảm 1 huyện và 51 xã

Gia Lai: Khẩn trương khắc phục sự cố thủng đập thuỷ lợi Ia Ring

Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo lập không gian đô thị xanh, thu hút đầu tư

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Đặng Khánh Toàn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

Năm 2024, Thanh Hóa còn khoảng 600 dự án bất động sản chưa mang ra đấu giá

Quảng Ninh: Khơi dậy tiềm năng, phát triển công nghiệp văn hóa

Quảng Ninh: Vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm nỗ lực vượt khó sau bão

Đà Nẵng: Phát động Giải báo chí phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5

Cần Thơ: Phát động đợt thi đua cao điểm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc

Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc

Quảng Ngãi: Gió lốc làm tốc mái hàng chục ngôi nhà ở thị xã Đức Phổ

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình chuyên đề xây dựng nông thôn mới

Ông Ngô Công Thức được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân