Hà Nội: Siết chặt quản lý, xử phạt các cửa hàng kinh doanh trái cây vi phạm
Để đảm bảo môi trường kinh doanh trái cây an toàn, đồng thời cung cấp nguồn sản phẩm ổn định, chất lượng cho người tiêu dùng, Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh trái cây trên toàn địa bàn. Việc này nhằm không chỉ đảm bảo chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, mà còn loại bỏ tình trạng các điểm bán tự phát gây mất trật tự đô thị.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội - thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã tăng cường giám sát, kiểm tra, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Những hành vi vi phạm, đặc biệt liên quan đến kinh doanh trái cây không đảm bảo chất lượng, nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc, đều bị xử lý nghiêm khắc. Nhờ vậy, tình trạng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã giảm đáng kể.
Trong 11 tháng năm 2024, các đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 21 vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh trái cây, xử phạt hành chính tổng cộng 292 triệu đồng. Tang vật vi phạm, bao gồm nhiều loại trái cây nhập lậu như táo đỏ, nho khô, cam, lê..., có giá trị ước tính hơn 270 triệu đồng, đã được xử lý theo quy định.
Hà Nội tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động kinh doanh trái cây. Ảnh: dms.gov.vn |
Song song đó, UBND các quận, huyện và thị xã đã triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh trái cây, lồng ghép với các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ và cao điểm. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra không chỉ xử lý vi phạm mà còn hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh hoàn thiện thủ tục, đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại cấp huyện, xã còn hạn chế về số lượng và chuyên môn, phần lớn kiêm nhiệm nên công tác triển khai chưa đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, nguồn cung cấp trái cây qua nhiều kênh khác nhau như đường bộ, hàng không, chợ đầu mối... khiến việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên phức tạp.
Đặc biệt, các cửa hàng nhỏ lẻ thường nhập hàng từ chợ đầu mối, không qua nhà sản xuất, dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị này thường không có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, hoặc chỉ xuất trình được hóa đơn bán lẻ ghi chép sơ sài, thiếu rõ ràng. Thêm vào đó, thói quen tiêu dùng “tiện đâu mua đó” của người dân khiến việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trái cây gặp nhiều trở ngại.
Trước tình hình này, UBND các quận, huyện đã chỉ đạo UBND các phường phối hợp với các phòng ban liên quan và đội Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh trái cây không phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất cũng được đẩy mạnh nhằm giải tỏa các điểm bán trái cây tự phát, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị và an toàn thực phẩm.
Việc siết chặt quản lý kinh doanh trái cây không chỉ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các hộ kinh doanh mà còn giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và văn minh trên địa bàn Hà Nội.