Chiều 30/11, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhằm thu thập thông tin về việc thi hành pháp luật trong trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan này đã tiến hành điều tra, khảo sát; mục đích là làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời kiểm soát tốt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
![]() |
Việc quản lý các cơ sở nhỏ lẻ và tự phát, đặc biệt là cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quy định cụ thể. Ảnh: Lê Sơn |
Sở Tư pháp đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bao gồm các ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường và Công an.
Qua kết quả khảo sát, người quản lý chỉ ra một số hành vi vi phạm hành chính thường gặp như: Không mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc thực phẩm; vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định; kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc hoặc tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm; không có hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nguyên liệu không rõ nguồn gốc và kinh doanh hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng.
Ngoài ra, việc khảo sát cũng ghi nhận nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố chưa đáp ứng đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, trong quá trình thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, trách nhiệm quản lý được phân chia cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. Tuy nhiên, quy định này dẫn đến tình trạng chồng chéo, khó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong quy định, một số quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 và Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 còn chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc xác định và phân loại mức độ vi phạm. Đồng thời, việc quản lý các cơ sở nhỏ lẻ và tự phát, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quy định cụ thể và tình trạng hoạt động tự phát.
Do đó, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền rà soát các vướng mắc trong các văn bản pháp luật hiện hành để hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật và cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan và doanh nghiệp.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị phân công lại trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm và các nghị định liên quan để phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Đề xuất này nhấn mạnh, Bộ Y tế nên chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra và giám sát sản phẩm chế biến sẵn, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nguyên liệu thực phẩm tươi sống, còn Bộ Công Thương giám sát hoạt động phân phối và kinh doanh.
Một vấn đề nữa, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Nghị định 115/2018/NĐ-CP để điều chỉnh mức phạt và phân loại vi phạm cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi trong xử lý vi phạm, cũng như quy định rõ hơn về các thủ tục kiểm tra và thanh tra đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.