Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn Tổng công ty Vận tải Hà Nội thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định, báo cáo thành phố.
Trước đó, Hà Nội đã đưa vào vận hành hai tuyến xe buýt chất lượng cao số 86 và 90 đến sân bay Nội Bài |
Theo phương án, tuyến buýt chất lượng cao có tên tuyến từ Hà Đông-sân bay Nội Bài. Điểm đầu là Hà Đông (Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza Hà Đông) và điểm cuối là sân bay Nội Bài (nhà ga T1; T2).
Thời gian phục vụ trong ngày từ 5-23 giờ, thời gian chuyến xe 90 phút, tần suất chạy xe 30 phút/lượt, số lượng xe thực hiện trong ngày 68 lượt/ngày.
Trước đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tuyến xe buýt chất lượng cao từ Hà Đông-sân bay Nội Bài với những ưu điểm như phương tiện chất lượng cao, rút ngắn thời gian đi lại so với các tuyến buýt có trợ giá (do bố trí ít điểm dừng), đảm bảo thời gian chuyến đi hợp lý hành khách, phạm vi hoạt động được mở rộng, biểu đồ hoạt động cố định, thời gian phục vụ kéo dài... sẽ thu hút hành khách đi tàu bay đang sử dụng phương tiện cá nhân, dịch vụ taxi, Grab chuyển sang sử dụng các dịch vụ vận tải này.
“Việc mở tuyến xe buýt sẽ giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các trục đường nói trên, giảm nguy cơ ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông và đáp ứng được nhu cầu của hành khách từ sân bay đến các khu vực các quận, huyện phía ngoài vành đai 2 khu vực phía Tây Nam của thành phố và ngược lại,” ông Viện nhìn nhận.
Hiện nay, tại sân bay Nội Bài kết nối về trung tâm thành phố đang có 5 tuyến xe buýt, trong đó có 4 tuyến buýt có trợ giá tuyến số 07 (Cầu Giấy-Nội Bài), tuyến xe buýt số 17 (Long Biên-Nội Bài), tuyến buýt số 90 (Kim Mã-Nội Bài), tuyến buýt số 109 (Bến xe Mỹ Đình-Nội Bài) và một tuyến buýt không trợ giá là tuyến xe buýt chất lượng cao số 86 (Ga Hà Nội-Bờ Hồ-Nội Bài).