Hà Nội: Nhiều hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch dịp Tết Nguyên đán
Du khách được sống trong không khí Tết cổ truyền
Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt là kinh tế du lịch, chuỗi các hoạt động, sự kiện được diễn ra từ trước Tết, trong đó những hoạt động, sự kiện được kéo dài xuyên Tết Nguyên đán sẽ làm cho du khách đến Thủ đô được sống trong không khí Tết cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Cụ thể, triển lãm tranh “Vẽ con rồng” khai mạc ngày 19/1 tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; chương trình “Tết phố năm 2024” tại không gian phố bích họa Phùng Hưng từ ngày 25/1 đến ngày 9/2/2024 (15/12 - 30/12 âm lịch); chương trình “Tết Làng Việt 2024” tại Làng cổ ở Đường Lâm từ 20/1 đến 21/1 (ngày 10 và ngày 11 tháng chạp năm Qúy Mão); chương trình “Happy Tết 2024” từ ngày 24/1 đến 28/1 (từ ngày 14 đến 18 tháng chạp năm Qúy Mão).
Du khách được nghệ nhân trà chia sẻ về cách pha trà truyền thống |
Ngoài ra, trong tháng 1/2024 với chủ đề “Hương xuân Tây Bắc” còn có các hoạt động chính như: “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, “Xuân về bản em”, Chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Từ ngày 28/1 đến ngày 28/2, tại khu vực Phố cổ Hà Nộisẽ có các hoạt động văn hóa, trưng bày giới thiệu về Tết cổ truyền như: Tại Ngôi Nhà di sản 87 Mã Mây, thực hiện trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống ở bên trong, trước cửa đình Kim Ngân và tổ chức thực hiện lễ rước truyền thống với chủ đề Tết Việt; sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa; các hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ cúng Ông Công - Ông Táo và ngày Tất niên (nghi thức chuẩn bị các mâm lễ rước ra đình Kim Ngân); giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa Thủy Tiên...
Riêng tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, sẽ thực hiện trang trí không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ và trưng bày các sản phẩm tranh, gốm… chủ đề con giáp của năm 2024; biểu diễn âm nhạc truyền thống nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc và giao lưu văn hoá với các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá nói chuyện về Tết truyền thống của người Việt.
Còn tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm sẽ trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm Bát Tràng chủ đề Gốm Rồng và tổ chức trình diễn thư pháp Việt; tổ chức trưng bày giới thiệu giao lưu nghề hoa Nhật Tân (Hà Nội) và nghề hoa Ngọc Lãng (Phú Yên) với chủ đề “Sắc Xuân Hội Tụ” tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ, 28 Hàng Buồm; câu chuyện văn hoá theo chủ đề “Trà - Tết phố hương thủy tiên với HanoiA” tại Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào…
Đáng chú ý, nét mới hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch Tết năm nay là vào đúng đêm 30 Tết, tại khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho du khách
Trước đó, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để thu hút và chuẩn bị tốt nhất đón khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Du lịch đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách để sẵn sàng phục vụ; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết: "Cũng trong dịp tháng Giêng này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2024 tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; phối hợp với Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố tổ chức chương trình Du xuân hữu nghị 2024 tại huyện Sóc Sơn và Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội tại Công viên Thống Nhất. Đây sẽ là 3 hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch mở màn của ngành Du lịch Thủ đô trong năm 2024".
Khách du lịch quốc tế thăm quan làng cổ Đường Lâm thông qua chương trình Tết Việt. Ảnh: Hoài Nam |
Cũng vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch như: Chương trình văn hoá nghệ thuật đặc biệt đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm; Hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống tại các phường trong khu Phố cổ Hà Nội kéo dài từ ngày mồng 2 Tết đến ngày mồng 5 Tết (Tại Đình Kim Ngân ngày mồng 2 Tết; Đình Đồng Lạc ngày mồng 3 Tết; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật ngày mồng 4 Tết; Hội Quán Phúc Kiến ngày mồng 5 Tết)…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức các lễ hội lớn vào đầu năm mới như hàng năm đó là: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gióng đền Sóc, Lễ hội truyền thống Cổ Loa, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh…
Cùng với đó, tại các khách sạn trên địa bàn thành phố cũng có nhiều hoạt động thu hút và đón khách đến lưu trú trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn này với nhiều hình thức khác nhau như khuyến mại, giảm giá, tặng kèm một số dịch vụ khi lưu trú tại cơ sở.
"Chúng tôi kỳ vọng, với nhiều hoạt động, sự kiện sôi động trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán nêu trên, ngành Du lịch Hà Nội sẽ phục vụ chu đáo, đáp ứng được tốt nhất nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân và du khách", bà Đặng Hương Giang cho hay.