Hà Nội: Kịp thời nhận diện vấn đề nổi cộm trong buôn lậu, hàng giả
Xử lý hơn 34.000 vụ hàng cấm, hàng lậu
Theo Báo cáo Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 7, triển khai nhiệm vụ tháng 8/2020 của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tháng 7, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục ổn định, giá cả hàng hóa không có biến động, hàng hóa đa dạng phong phú, cung ứng dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thủ đô.
Lực lượng QLTT tiến hành thu giữ lượng lớn sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả, lậu |
Tuy nhiên, theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội - tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng,… Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như đồ may mặc, giày dép… vẫn còn tồn tại. Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã chủ động tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Công an thành phố đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Trong khi đó, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trong tháng 7/2020, lực lượng này đã tiếp tục ban hành các văn bản về tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng; phối hợp kiểm soát mặt hàng thịt lợn, thực hiện các giải pháp bình ổn thịt lợn; rà soát tuyên truyền các quy định về phòng chống dịch Covid-19 đến các cơ sở kinh doanh, bán lẻ thuốc…Trong tháng, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 825 vụ; xử lý 775 vụ. Phạt hành chính 7 tỷ 222 triệu đồng. Tiền bán hàng, trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng: 12 tỷ 485 triệu đồng.
Điển hình, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra Công ty TNHH in Quang Minh tại địa chỉ số 418 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội và phát hiện 15.000 bản chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Tiếp sau đó, Đội này cũng phát hiện 27.200 sản phẩm sách giáo khoa - trên sản phẩm có in: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (địa chỉ số 87 ngõ 1141 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội). Số hàng giả này đang được đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ. Đáng nói, mã vạch, tem chống hàng giả đều được làm rất tinh vi.
Cùng với đó, lực lượng hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã; mặt hàng gỗ quý hiếm; mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất; các mặt hàng thịt đông lạnh, thuốc lá, dược liệu…
Với sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng, trong tháng 7/2020, các lực lượng chức năng đã tổ chức thanh kiểm tra 4.033 vụ; xử lý 3.790 vụ. Khởi tố 4 vụ đối với 7 đối tượng. Trong đó xử lý 34.237 vụ hàng cấm, hàng lậu; 246 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, 3.201 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 309 tỷ 822 triệu đồng.
Kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao trong những tháng tiếp theo, Ban Chỉ đạo 389/TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo Kế hoạch số 19/KH-BCĐ 389 ngày 23/7/2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng chống, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam và Kế hoạch số 35/KH-BCĐ389/TP ngày 18/2/2020 của BCĐ 389/TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020 trên địa bàn Hà Nội…
Ngoài ra, chỉ đạo các sở, ngành thành viên và BCĐ 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đồng thời phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại nhằm góp phần phòng ngừa, hạn chế lây lan dịch bệnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị, đại hội đảng các cấp, thành phố lần thứ VII tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại Thủ đô. Triển khai kế hoạch và quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các mặt hàng điện thoại di động, điện tử tin học, phụ tùng ô tô, xe máy trên địa bàn TP. Hà Nội.
“Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng mới nổi để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý" - ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, buôn bán và tiêu dùng hàng lậu, hàng giả trong cộng đồng thương nhân và người tiêu dùng; góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng.