Hà Nội: Kiểm tra trên 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, 15% cơ sở vi phạm
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện toàn thành phố có 72.671 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (giảm 4.136 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, ngành y tế quản lý 39.882 cơ sở.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra khu vực bếp của một khách sạn trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Thu Trang |
Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát 5.820/5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (chiếm tỷ lệ 100%).
Trong đó, kiểm tra 408 cơ sở tại các lễ hội, hội chợ, triển lãm, 1.489 cơ sở tại khu du lịch, 1.390 cơ sở tại các điểm công cộng (vỉa hè, bến xe, nhà ga…), 2.533 cơ sở bán hàng rong. Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chí theo quy định 83,7 % (4.872 cơ sở).
Cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát 35.146/35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống (tỷ lệ 100 %). Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chí theo quy định 84,5%.
Hà Nội đã duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn năm 2024 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm đến nay, các đoàn đã giám sát, tư vấn 16.572 bữa cỗ, hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người và được ký cam kết về an toàn thực phẩm đạt 100%.
Hà Nội cũng duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã với 324 trường.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức 1 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 15 bếp ăn tập thể trường tiểu học và 10 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể trường tiểu học. Tuyến quận, huyện đã kiểm tra, giám sát 324 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 298 cơ sở, chiếm tỷ lệ 91,9%.
Thành phố cũng đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền và phường Hàng Trống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn xảy ra. Hàng hóa vi phạm thường là thực phẩm (bỏng gạo, bim bim, xúc xích, cánh gà...), thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật (kê gà, dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò...).
Điển hình, ngày 17/1/2024, Đội QLTT số 17 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội 7 Phòng PC03 - Công an TP. Hà Nội phát hiện kho chứa thực phẩm nằm sâu trong khu dân cư, trên địa bàn thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội chứa 5,5 tấn mỡ bò, 720 kg óc lợn, sụn lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đáng chú ý, các đối tượng còn thay đổi nhãn, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa. Điển hình, ngày 04/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ: Số 202, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, phát hiện có 370 thùng Bim HỔ KAKA được sử dụng để thay đổi nhãn, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 24 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Hoài Đức để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.