Hà Nội: Khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế
Vươn mình lớn mạnh
Cách đây 67 năm, mốc son chói lọi Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đã mở ra thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Với vị trí, vai trò chiến lược về chính trị, kinh tế của đất nước, ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để bảo vệ, xây dựng và phát triển.
Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại |
Chỉ một thời gian ngắn sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, là hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Và kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975, Hà Nội lại tiếp tục là một công trường lớn xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Năm 2008, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng ở mức khá. Riêng giai đoạn 2015-2020 đến nay, Hà Nội đã thể hiện rõ sức vươn ngày càng mạnh mẽ; trong đó, dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,1% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp 16,46% về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), 19,05% về thu ngân sách, GRDP tăng bình quân 7,23%/năm. Cơ cấu kinh tế Thủ đô được đánh giá là chuyển dịch tích cực, đúng hướng; gặt hái nhiều thành tựu kinh tế nổi bật, làm thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Tăng tốc phục hồi kinh tế
Cùng với cả nước, gần 2 năm đại dịch Covid-19 càn quét, kinh tế - xã hội Hà Nội khủng hoảng nặng nề. Riêng năm 2021, trước diễn biến nguy hiểm của biến chủng Delta, Hà Nội đã trải qua hai giai đoạn phòng, chống dịch cam go, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, nhiều chỉ tiêu tháng 9 tuy tăng so với tháng 8 nhưng giảm so với cùng kỳ. GRDP quý III/2021 giảm 7,02% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung 9 tháng tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020. Một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn như vận chuyển, thương mại, dịch vụ, du lịch, khách sạn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước…
Hà Nội quyết tâm triển khai các kế hoạch phục hồi kinh tế |
Tuy nhiên, trong bức tranh chung của nền kinh tế trước đại dịch, nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì chuỗi liên kết sản xuất Hà Nội vẫn thu được một số kết quả khả quan. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 1.292 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 8 và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2020, khu vực dịch vụ ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, bình quân 9 tháng 2021 tăng 1,54%.
Bước vào tháng 10, nhờ nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân Thủ đô, Hà Nội đã nắm thế chủ động và thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, triển khai mở cửa dần để phục hồi phát triển kinh tế. Trên cơ sở này, tại Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Hà Nội”, Hà Nội xây dựng hai kịch bản tăng trưởng, đó là phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 7,5% và khoảng 6,5-7% bám sát thực tiễn và khả năng diễn biến của dịch Covid-19.
Nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV và cả năm 2021, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo, các cấp, các ngành phải đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện kế hoạch của Nghị quyết số 05-NQ/TU, kiên định các giải pháp quyết liệt phòng dịch trong mọi tình huống, tập trung tăng tốc, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội. “Ngay từ những ngày đầu tháng 10, các đơn vị phải bắt tay xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý; xây dựng tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước” - ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Dẫu rằng vẫn còn nhiều chông gai khi dịch bệnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng với định hướng đề ra và kế hoạch triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, nắm bắt thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn, tiếp tục vươn mình phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đáp ứng niềm tin yêu của muôn triệu người dân đất Việt, đưa Hà Nội xứng tầm danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, một nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai...
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước. |