Hà Nội: Các khu vực bãi nổi sẽ được phép xây dựng công trình không gian công cộng
Sử dụng quỹ đất sẵn có tại bãi sông, bãi nổi một cách hiệu quả
Chiều 11/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 28/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên họp, đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.
Cùng với ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật này, trước đó, ngày 23/5/2024, Chính phủ đã có văn bản số 269/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đề xuất chỉnh lý một số nội dung cụ thể.
Ngày 8/6/2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tổ chức làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan và thành phố Hà Nội để thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp thứ 7.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng nêu, về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê (các điều 17, 18, 21, 32), có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi cho phép xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi nếu phù hợp với quy hoạch.
Đồng thời, đề nghị trước khi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi thì cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các đồ án Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô đều đưa nội dung phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô, yêu cầu sử dụng quỹ đất sẵn có tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội một cách hiệu quả, vừa phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa, kinh tế, du lịch, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng chống thiên tai, lũ lụt là hết sức cần thiết.
Thực tế cho thấy, Thành phố đã xây dựng một số phương án quy hoạch, phát triển sông Hồng đoạn qua Thành phố nhưng gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, một trong những nguyên nhân là do quy hoạch hiện hữu về phòng, chống lũ, quy hoạch về đê điều chậm được nghiên cứu, điều chỉnh và một số rào cản về pháp luật liên quan đến bảo vệ đê điều.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều. Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt;
Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy và xây dựng công trình được phép xây dựng theo pháp luật về đê điều (khoản 2 Điều 17).
Dự thảo Luật Thủ đô được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép, các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng
Đồng thời, giao UBND Thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND Thành phố quy định (khoản 7 Điều 18).
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần tham vấn ý kiến các Bộ chuyên môn thì Thành phố sẽ chủ động thực hiện mà không quy định thành thủ tục bắt buộc trong Luật, các cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng
Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng (Điều 24 và Điều 41), ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị cho phép toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; mở rộng đối tượng được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý là các công trình, hạng mục công trình trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thấy rằng, Luật Thủ đô điều chỉnh các cơ chế, chính sách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô nên tập trung vào việc phân quyền cho các cơ quan thuộc chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, đối với một số cơ chế, chính sách nhất định thì cũng có thể cho phép các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố được áp dụng để tạo cơ sở cho việc xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.
Với tinh thần đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Cho phép mở rộng các công trình, hạng mục công trình là tài sản công trên địa bàn thành phố Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan trung ương cũng có thể áp dụng cơ chế nhượng quyền khai thác, quản lý như đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của Thành phố (Điều 41) bởi đã rõ phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện, có thể xác định được số lượng cụ thể.
Cho phép đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi khu công nghệ cao Hòa Lạc được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được quy định trong Luật bởi số lượng các đơn vị loại này không nhiều và đã được xác định cụ thể (chủ yếu gồm một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương). Việc có cho phép thực hiện hay không, thực hiện như thế nào sẽ do các Bộ chủ quan xem xét, quy định cụ thể.
Đồng thời, không mở rộng áp dụng quy định này đối với đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan trung ương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội (ngoài khu công nghệ cao Hòa Lạc) vì số lượng đơn vị sự nghiệp của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố là rất lớn, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, phạm vi hoạt động có thể mở rộng ngoài địa bàn Thành phố.
Do đó, nếu mở rộng các đơn vị này cũng được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc xác định trình tự, thủ tục, cơ chế thực hiện, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản công.
Hiện nay, Chính phủ, các Bộ liên quan đang khẩn trương tiến hành tổng kết để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và việc hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chung của các đơn vị sự nghiệp công lập trong vấn đề quản lý, khai thác tài sản công. Do đó, việc thực hiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập nói trên sẽ chờ khi có quy định chung của Chính phủ