Hà Nội: 29 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Tại Hội nghị, các thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố Hà Nội và đại diện Hội đồng và tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Sơn Tây đã chấm điểm các sản phẩm theo tiêu chí như: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm…
Sản phẩm của thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã có mặt tại Hội nghị thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương tình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thị xã năm 2020 |
Ông Tạ Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND thị Xã Sơn Tây- cho biết, để thực hiện Chương trình OCOP năm 2020, thị xã đã tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn thị xã. Qua khảo sát, đánh giá, toàn thị xã có 45 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm có 19 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 3 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 4 sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có 5 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 14 sản phẩm. Trong quá trình đánh giá phân hạng, thị xã đã mời các đơn vị tư vấn, đến thời điểm này đã chọn được 29 sản phẩm đem đến hội nghị để Hội đồng thẩm định chấm điểm, đánh giá, phân hạng. “29 sản phẩm tham gia Hội nghị lần này là các sản phẩm có thế mạnh của xã, phường của thị xã Sơn Tây nhưng chưa được quảng bá, giới thiệu ra bên ngoài, và chưa được đánh giá chất lượng”, ông Phong nói.
Là một trong những cơ sở có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần này, bà Phạm Thị Bình- chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình (sản phẩm làng nghề bánh tẻ Phú Nhi)- cho biết, bánh tẻ của cơ sở được làm những nguyên liệu từ hạt gạo theo phương thức truyền thống chứ không làm từ bột khô, với vị thơm ngon, sản phẩm đã nức tiếng nhiều địa phương. Tự tin sản phẩm sẽ đạt hạng ba sao, thông qua chương trình OCOP, bà Bình kỳ vọng, sản phẩm của bà và làng nghề bánh tẻ Phú Nhi có thể đi khắp mọi nơi trên đất nước, đặc biệt là đưa vào khu du lịch, siêu thị ẩm thực….
“Những khó khăn đối với các làng nghề hiện nay để được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, chính là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng đối với làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, đều có đầy đủ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ khâu nhập thịt lợn, mộc nhĩ, gạo...”, bà Bình cho biết. Do vậy, bánh tẻ Phú Nhi sản xuất ra đều đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Y tế yêu cầu. Nhờ tham gia Hiệp hội làng nghề nên thu nhập của chúng tôi khá ổn định, sau khi trừ đi mọi chi phí, mỗi năm cũng lãi được hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí- Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, Chương trình OCOP thị xã Sơn Tây năm 2020 vẫn còn gặp khó khăn như: chưa có nhiều mô hình sản xuất thật sự nổi trội để nhân rộng; hệ thống doanh nghiệp, kinh tế hợp tác phát triển chưa mạnh; liên kết, liên doanh còn hạn chế; sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán; lao động phần lớn làm theo kinh nghiệm, truyền nghề chưa qua trường lớp đào tạo. Bên cạnh đó, năng lực nội tại các hộ sản xuất, hợp tác xã chưa mạnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm không ổn định; các loại nông sản, vật phẩm chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu ở dạng thô…
Về phía cơ sở, bà Bình cũng cho biết, thực tế để bánh tẻ Phú Nhi đi xa thì còn nhiều khó khăn, do bánh không bảo quản được lâu, khách hàng muốn mua với số lượng lớn cũng chưa đáp ứng được ngay.
Để tháo gỡ khó khăn nêu trên cũng như để sản phẩm OCOP đi xa, theo ông Tạ Thanh Phong, sau khi chấm điểm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, tiềm năng 5 sao, thị xã Sơn Tây sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch để quảng bá, giới thiệu ra thị trường không chỉ ở Hà Nội mà còn ra các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt hơn nữa Chương trình OCOP, thị xã Sơn Tây sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu Chương trình OCOP và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp: Xây dựng và phát triển một số sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; xây dựng nhãn hiệu OCOP trở thành thương hiệu mạnh của thị xã.
Trong năm 2019, thị xã Sơn Tây đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đó là Chả cá Thuần việt xã Sơn Đông, gà Mía Sơn Tây, kẹo dồi phủ vừng Quý Thảo, kẹo lạc Cao Quý Thảo xã Đường Lâm, giò lợn Phùng Thị Quế phường Quang Trung; 3 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, gồm: Mật ong Kim Sơn, bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía Sơn Tây. Ngoài ra trên địa bàn thị xã cũng còn nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị, thế mạnh và tiềm năng phát triển, có thể tham gia Chương trình OCOP như: Mít, rau an toàn, tranh kính, hoa, cây cảnh, miến dong, bánh gai, giò, chả...