Thứ năm 02/01/2025 00:05

Hà Giang đẩy mạnh rà phá bom mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác rà phá bom mìn, quy tập hài cốt liệt sĩ trên tuyến biên giới.

Theo thống kê của các đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tại Hà Giang, có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn gần 1.400 liệt sĩ còn nằm lại chiến trường. Ðất rừng biên cương khắc nghiệt, địa hình phức tạp, cho nên chậm ngày nào thì cơ hội tìm thấy hài cốt liệt sĩ thêm khó khăn.

Lực lượng công binh rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại các xã biên giới huyện Vị Xuyên.

Do đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là diện tích đất tại các xã biên giới, nơi còn nhiều liệt sĩ nằm lại chiến trường, bị ô nhiễm bom mìn. Toàn tỉnh có khoảng 90 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, chủ yếu là các xã biên giới thuộc các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, Quản Bạ.

Trong những năm qua, Hà Giang đã thực hiện công tác rà phá được hơn 13 nghìn héc-ta đất, hiện vẫn còn khoảng 77 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, trong đó có gần 20 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm nặng.

Trước yêu cầu cấp thiết trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai dự án "Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ". Ðể đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 đã huy động tám đơn vị với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Thượng tá Trần Huy Thục, Trưởng ban Công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho biết, diện tích bị ô nhiễm bom mìn nằm trên những điểm cao, hiểm trở, do đó công tác rà phá, làm sạch vật cản là nhiệm vụ đầy thách thức, hiểm nguy. Với tinh thần trách nhiệm, các đơn vị công binh đã huy động hàng trăm nghìn ngày công lao động để truy tìm, rà phá, thu gom, phân loại và xử lý thành công hàng chục tấn bom mìn, vật liệu nổ tại các huyện biên giới, trọng tâm là tại tuyến biên giới Vị Xuyên. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700 ha đất tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Ðức, Thanh Thủy, Xín Chải (huyện Vị Xuyên); giai đoạn 2 hiện đang thực hiện rà phá 1.500 ha tại xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và các xã Tả Ván, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ).

Diện tích đất được làm sạch vật cản đến đâu, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được triển khai ngay đến đó. Thượng tá Thào Mí Dính, Ðội trưởng Ðội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: "Ngay khi được bàn giao diện tích đất đã sạch vật cản, trên cơ sở nguồn thông tin của các trận đánh, thông tin của người dân và các cựu chiến binh, đội huy động nhân lực, máy móc thực hiện ngay công tác tìm kiếm. Thời gian trôi qua, thi thể liệt sĩ nằm sâu dưới lòng đất, trong khe đá khiến công tác tìm kiếm, quy tập gặp nhiều khó khăn. Anh em trong đơn vị xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng, đồng đội, thân nhân các liệt sĩ mong ngóng, cho nên dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ".

Từ năm 2018 đến nay, Ðội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập được 132 hài cốt liệt sĩ và một mộ tập thể. Mới đây nhất, đội đã tìm kiếm, cất bốc được chín bộ hài cốt liệt sĩ tại các cao điểm thuộc thôn Giang Nam, Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).

Ðầu tháng 2 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên với nghi thức trang trọng. Bài điếu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đọc tại lễ truy điệu nêu rõ: "Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, tại mặt trận Vị Xuyên có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, trong đó vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ nằm lại trên những điểm cao nơi biên giới. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang không bao giờ quên những mất mát, hy sinh và những nỗi đau do cuộc chiến để lại. Do đó, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa; huy động mọi nguồn lực để rà phá bom mìn; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ".

Trong đoàn người dự lễ truy điệu, có những cựu chiến binh không quản ngại đường sá xa xôi, sự bận rộn của những ngày giáp Tết Nguyên đán lên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên để đưa tiễn đồng đội. Cựu chiến binh Dương Văn Thanh ở thành phố Hà Nội, người từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên cho biết: "Tôi xúc động khi các liệt sĩ nằm trên những điểm cao đã được tìm kiếm, đưa về an nghỉ cùng đồng đội tại nghĩa trang với nghi thức trang trọng. Các cựu chiến binh chúng tôi rất mừng khi thấy nơi an nghỉ của các đồng đội được đầu tư, nâng cấp khang trang, được chăm sóc chu đáo, thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương với công tác đền ơn, đáp nghĩa".

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện có 1.900 phần mộ liệt sĩ, trong đó phần lớn là các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Ðược sự quan tâm của Nhà nước, từ năm 2016 đến 2021, nghĩa trang được đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng diện tích hơn 14 ha. Sau nâng cấp, nghĩa trang có một diện mạo mới. Các phần mộ liệt sĩ được lát đá; đền thờ liệt sĩ được xây mới khang trang; khuôn viên sạch sẽ với nhiều cây xanh; hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư hoàn chỉnh; có nhà nghỉ cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện đã trở thành địa chỉ về nguồn đối với khách du lịch mỗi khi đặt chân đến Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc. Cùng với sự phát triển chung của ngành du lịch, lượng khách đến thăm viếng nghĩa trang ngày một tăng. Năm 2023, có hơn 2.000 đoàn với khoảng 80 nghìn lượt khách đến thăm viếng. Ðây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ.

Trong năm vừa qua, đã có hơn 60 đoàn từ các trường học trong cả nước đến dâng hương, dâng hoa, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Anh Trần Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên cho biết: "Toàn thể cán bộ trong Ban Quản lý luôn hết lòng với công việc được giao, từ việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh cho đến tiếp đón các đoàn đến thăm viếng. Chúng tôi làm việc với tâm niệm, nghĩa trang sạch đẹp, mỗi phần mộ được chăm sóc chu đáo làm ấm lòng thân nhân liệt sĩ".

Theo nhandan.vn
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hà Giang