Hà Giang: Đã khởi công xây dựng 902 nhà tạm, nhà dột nát Hà Giang “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 |
Chương trình “Mẹ đỡ đầu – hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn” giai đoạn 2022 - 2026 được Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện từ tháng 6/2022 đến nay đã bước đầu đạt những kết quả tích cực và những giá trị lan tỏa.
Việc làm ý nghĩa của Công an tỉnh Hà Giang nhằm giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tốt nhất về tinh thần và vật chất để vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống.
Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được Công an tỉnh Hà Giang nhận đỡ đầu đã có bước phát triển vượt bậc về cả thể chất và tinh thần càng làm giàu hơn ý nghĩa của chương trình đầy tính nhân văn mà lực lượng Công an đang triển khai (Ảnh: Công an tỉnh Hà Giang). |
Để thực hiện chương trình nhân văn này, bên cạnh việc hỗ trợ về kinh phí, vật chất cho các con, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Giang đã phân công 7 tổ “Mẹ đỡ đầu” hàng tháng duy trì việc thăm hỏi tại gia đình, trao đổi với nhà trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, theo sát quá trình phát triển của các con nuôi Công an.
Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, 7 trẻ mồ côi do Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận chăm sóc đã có những sự thay đổi tích cực về cả thể chất và tinh thần.
Đặc biệt, kết quả học tập ngày càng thay đổi rõ rệt, các con nuôi đều đạt kết quả học tập trung bình khá, hạnh kiểm tốt trở lên. Một số cháu có sự thay đổi vượt bậc như cháu Nguyễn Cao Kỳ do Hội Phụ nữ Công an huyện Vị Xuyên phụ trách đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT Việt Lâm. Cháu Phàn Trọng Nghĩa do khối Trực thuộc – Hậu cần Công an tỉnh phụ trách có 2 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, vinh dự là đại diện viết bài cảm tưởng khi tham gia chương trình Trại hè Yêu thương do Bộ Công an tổ chức. Còn cháu Nguyễn Thị Quỳnh Thư do khối Cảnh sát điều tra phụ trách phát triển năng khiếu âm nhạc...
Với ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc, phát huy giá trị truyền thống về tình người, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, chương trình đã lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của nữ cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng người dân.
Năm 2025 tới đây, các con nuôi đều chuyển cấp/bậc học, sẽ có những thay đổi về tâm sinh lý cũng như nhu cầu nguyện vọng theo từng lứa tuổi. Do đó, để đảm bảo đến cuối giai đoạn của chương trình đạt mục đích và yêu cầu đề ra, Ban Phụ nữ Công an tỉnh Hà Giang cùng các tổ “Mẹ đỡ đầu” sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng với tinh thần trách nhiệm để các con có hành trang vững chắc bước vào đời.