Gỡ “nút thắt” để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển
Đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chính sách để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa |
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Có thể kể đến như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Trung ương xác định: "Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…".
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu: "Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam"…
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm; ngày càng đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với quốc tế.
Cụ thể, về đóng góp GDP: Nếu như năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa mới đóng góp 2,68% GDP thì sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể: Năm 2018, cả 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP; tính chung trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Tính riêng năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 - 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
“Nếu so sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá.
Về đóng góp đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hoá còn đóng góp tích cực trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Hiện nay, Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.
Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là căn cứ để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa - 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đối với cộng đồng quốc tế.
Nhận diện thách thức
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công bằng so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế; công nghiệp văn hóa phát triển chưa đồng bộ.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện nay chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế.
Các ngành công nghiệp văn hóa nước ta chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế |
Một số bộ phận doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên việc vi phạm và xâm phạm thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, đồng thời gây cản trở cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Giải pháp cho vấn đề
Để thúc đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất giải pháp: Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Thứ tư, tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn…tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển ngành công nghiệp văn hoá thông qua các Trường, liên kết với các doanh nghiệp, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế.
Thứ sáu, bổ sung chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Nêu quan điểm của mình, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD – cho hay: Để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.
Cùng quan điểm, bà Trương Uyên Ly - Giám đốc Hà Nội Grapevine – bày tỏ: Về thuế, hãy miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không gian sáng tạo trong 3 năm đầu tiên và trong 2 năm tiếp theo thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công – tư. Đến năm 2030, cần hoàn thiện các trung tâm và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, có tầm nhìn toàn cầu. Ngoài ra, Chính phủ cần thành lập Tiểu ban hành động công nghiệp văn hóa sáng tạo công nghệ liên bộ ngành.
Cùng lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – nhấn mạnh thêm: Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.