Gỡ khó cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Chính sách đặc thù sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp |
Vướng nhất về vốn
Tại hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” mới đây, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ - cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup), 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 21 cơ sở vườn ươm khởi nghiệp và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Thực tế, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít, các quỹ này hầu hết lại không đầu tư từ giai đoạn đầu, không đầu tư nhỏ mà chỉ nhắm tới những dự án có quy mô từ vài trăm nghìn USD trở lên. Do đó, mỗi năm chỉ có khoảng 10 DN khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm mà nhu cầu vốn của các startup đang rất lớn.
Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc FPT Ventures thừa nhận: Việt Nam đang có làn sóng lớn các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp, song, khó khăn nhất mà các startup gặp phải là đang thiếu những khoản đầu tư nhỏ ban đầu, thường gọi là vốn mồi để biến từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh. Trong khi đó, lực lượng sẵn sàng đầu tư vốn mồi là những nhà đầu tư mạo hiểm cho startup lại chưa nhiều.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoà Bình - Giám đốc Công ty Peacesoft - cho rằng, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với thời gian trước. Tuy nhiên, ngoài cơ hội, môi trường thì vốn là yếu tố then chốt, quyết định DN khởi nghiệp thành công hay thất bại. Nếu không có tiền, sản phẩm của startup không thể tiến xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới
Khai thông chính sách
Ông Quất cho rằng, nếu chúng ta không xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn thị trường Việt Nam mà sẽ đầu tư cho các nước khác trong khu vực ASEAN. Nghiêm trọng hơn, DN khởi nghiệp từ Việt Nam sẽ sang các nước khác có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn cũng như phát triển mở rộng thị trường để lập nghiệp. Do đó, cần xây dựng các chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, bao gồm: Đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế tài chính hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp…
Giám đốc Nghiệp vụ mảng Đầu tư công ty Tư nhân, Quỹ Dragon Capital Group - ông Võ Trần Đình Hiếu - đề nghị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thiện Thông tư về Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Việc hoàn thiện cơ chế sẽ tháo gỡ vướng mắc trong phương thức đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài. “Chỉ khi cơ chế được khơi thông mới có thể thu hút được nhiều các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng tìm kiếm startup để rót vốn mồi” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội - chia sẻ thêm: Để thu hút được các nguồn vốn đầu tư, các DN khởi nghiệp phải đưa ra được các phương án kinh doanh khả quan. Bên cạnh đó, các DN khởi nghiệp nên đi vào các thị trường ngách, không nên tập trung vào những thị trường mà các đối thủ lớn đang tập trung khai thác. “Chúng tôi đã thành lập một quỹ đầu tư khởi nghiệp do các doanh nghiệp lớn trong Hiệp hội tham gia để đầu tư cho các DN khởi nghiệp” - ông Anh cho biết.
Bà Esther Barak Landes - Giám đốc Điều hành Nielsen Innovate Fund: Từ kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp tại Israel, Việt Nam đang thiếu những quy định về việc thu hút, giữ chân các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, trong khi đây là nơi hỗ trợ vốn đắc lực cho các startup. |