Giao ban Thương vụ định kỳ: Xây những “cây cầu” vững chắc cho doanh nghiệp Việt
Ngày 29/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022. Đây là sự kiện sẽ được thực hiện định kỳ hàng tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2023.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hệ thống thương vụ cần chủ động đi đầu trong xúc tiến thương mại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về sáng kiến tổ chức các hoạt động này, Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, vai trò của hệ thống thương vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số thương vụ chưa thể hiện rõ nét vai trò của mình tại các thị trường nước ngoài.
Chính vì vậy, hoạt động giao ban xúc tiến thương mại trong toàn hệ thống thương vụ là hoạt động rất cần thiết. Bộ Công Thương đã làm rất đúng vào thời điểm này.
Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh |
“Bên cạnh việc giao ban thường xuyên, tôi nghĩ thời gian tới, Bộ Công Thương cần tổ chức những cuộc giao ban đột xuất, theo từng thị trường trọng điểm, hay những thị trường xuất hiện những bất thường” - TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Ông Ánh nêu ví dụ: Câu chuyện về các container hạt điều xuất khẩu sang Italia vừa rồi là một điểm nhấn, Thương vụ Việt Nam tại Italia đã vào cuộc, tham gia giải quyết rất kịp thời, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Ánh, hơn hết, trong vấn đề xúc tiến thương mại, vai trò của các Thương vụ Việt Nam là rất quan trọng. Thứ nhất là khai phá thị trường, thông qua việc tìm hiểu thị trường rồi cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp Việt.
Thứ hai, là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam khi ra nhập trường quốc tế. Hay thậm chí là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại Việt Nam về thông tin xuất, nhập khẩu ở các thị trường. Đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam đã mở cửa hội nhập như hiện tại và diễn biến thị trường thế giới rất phức tạp.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đang có 57 Thương vụ tại các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. |
“Vai trò của các thương vụ như cây “cầu nối” kể cả mặt thông tin hay thậm chí là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy tôi cho rằng, việc lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp giao ban với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về xúc tiến thương mại sẽ có tác động lớn và rất tích cực. Bộ Công Thương đang xây những “cây cầu” vững chắc cho doanh nghiệp Việt” - ông Ánh khẳng định.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, việc lãnh đạo Bộ trực tiếp giao ban sẽ có những tích cực: Thứ nhất, lãnh đạo Bộ sẽ có những chỉ đạo trực tiếp, điều này có hiệu quả hơn rất nhiều.
Thứ hai, từ các cuộc giao ban, các Thương vụ sẽ phát hiện ra những vấn đề nào là vấn đề chung, những vấn đề nào là riêng biệt của thị trường, để họ chủ động xử lý hay học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
“Do đó, tôi kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện công tác giao ban xúc tiến thương mại định kỳ trong hệ thống thương vụ. Tuy nhiên, cần tránh việc làm hình thức; đồng thời khi thị trường nào phát sinh vấn đề, cần có những cuộc họp đột xuất, chỉ đạo đột xuất để kịp thời xử lý. Tôi tin rằng, hệ thống thương vụ được chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp, quyết liệt từ lãnh đạo Bộ thì hệ thống thương vụ sẽ vận hành một cách hiệu quả hơn” - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định.
Theo Quyết định Số 4376/QĐ-BCT ngày 8/8/2008 của Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thương vụ tại các nước và vùng lãnh thổ. Thương vụ có chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, của các doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam trong quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài. Thương vụ có nhiệm vụ và quyền hạn: Đại diện lợi ích kinh tế - thương mại, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại: Tham gia các hoạt động kinh tế đối ngoại của cơ quan đại diện; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; duy trì, thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, công nghiệp, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại giữa Việt Nam với nước sở tại theo quy định của pháp luật hai nước. Phối hợp hoạt động với các bộ phận trong cơ quan đại diện, với các cơ quan hữu quan ở trong nước thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao và Trưởng cơ quan đại diện phân công. Tham gia hoạt động liên quan đến đàm phán và ký hiệp định kinh tế thương mại, công nghiệp, phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang làm việc; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo phân công của lãnh đạo Bộ. Thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại: Tìm hiểu pháp luật, thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp và báo cáo Bộ về tình hình, chính sách kinh tế - thương mại, công nghiệp, tập quán thương mại và việc thực hiện chính sách quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với nước sở tại được phân công phụ trách. Nghiên cứu chính sách kinh tế - thương mại, đầu tư công nghiệp, dịch vụ, hàng hoá xuất nhập khẩu và dự báo nhu cầu thị trường thuộc khu vực thị trường được phân công phụ trách; đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu hàng hoá, quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp, dịch vụ thương mại và báo cáo Bộ. Theo dõi diễn biến thị trường, dự báo, phát hiện việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam (như: chống bán phá gia, trợ cấp, tự vệ, các rào cản thương mại, phân biệt đối xử, đưa thông tin sai lệch về hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam...), đề xuất biện pháp để kịp thời xử lý; kiến nghị Chính phủ, Bộ và các ngành hữu quan về biện pháp cần thiết để tháo gỡ rào cản, đàm phán, thương lượng với nước sở tại được phân công phụ trách. Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư công nghiệp: Giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam, thương hiệu quốc gia, chính sách, môi trường kinh doanh, đầu tư, sản phẩm, hàng hoá, các quy định về xuất nhập khẩu hàng hoá, thị trường, các doanh nghiệp của Việt Nam; xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - thương mại, thu hút đầu tư ngành công nghiệp và dịch vụ. Tổ chức phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ở nước sở tại. Hướng dẫn thương nhân nước ngoài tìm hiểu thị trường, tập quán, chính sách kinh tế thương mại, phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại và các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam; hướng dẫn thương nhân Việt Nam tìm hiểu thị trường, tập quán, chính sách và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, công nghiệp của nước sở tại. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, (đặt giúp gian hàng, chỗ ở, thuê hộ phương tiện đi lại...), tham gia giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp nước sở tại (nếu có). Hỗ trợ xác minh thông tin về độ tin cậy và tín nhiệm của doanh nghiệp nước sở tại theo nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam. Tổng hợp danh sách doanh nghiệp nước sở tại nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam… |