Giảm tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí cấp phép hoạt động khoáng sản
Bộ Tài chính cho biết đã nhận được Báo cáo Kiểm toán số 391/KTNN-TH của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, có kiến nghị Bộ Tài chính: Điều chỉnh giảm tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thẩm định được quy định tại Thông tư số 56/2018/TT-BTC ngày 25/6/2018 của Bộ Tài chính và Phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được quy định tại Thông tư số 191/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ Tài chính.
Căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 191/2016/TT-BTC như sau:
Tổ chức thu phí được để lại 75% (thay cho mức hiện hành là 90%) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 25% (thay cho mức hiện hành là 10%)vào ngân sách nhà nước; trừ trường hợp quy định khác. Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm: Chi phí cho hoạt động kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản, kiểm tra, đánh giá và tổ chức họp thẩm định, họp Hội đồng thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản.
Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2018/TT-BTC như sau:
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí thì được trích để lại 58% (thay cho mức 90% hiện nay) tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 42% (thay cho mức 10% hiện nay) vào ngân sách nhà nước.