Giảm áp lực giao hàng cho doanh nghiệp dệt may bằng công nghệ
Chia sẻ tại hội thảo sản xuất hàng may mặc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10/5, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký, phụ trách Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may, trong đó có đến 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nên mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD ngành dệt may vào cuối 2024 dự kiến sẽ trở thành hiện thực.
Lý giải cho nhận định này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng: Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu đã kìm chế được lạm phát và sức mua đã dần tăng lên. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2024, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho biết, họ đã có đơn hàng ít nhất đến 6 tháng đầu năm.
Mặc dù có nhiều triển vọng, song các doanh nghiệp dệt may hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức do giá đơn hàng vẫn thấp, một số đơn hàng nhỏ và đòi hỏi thời gian giao hàng ngắn. Bên cạnh đó, chi phí cho đơn hàng vẫn cao, một phần do giá nguyên vật liệu và logistics tăng từ 2-3 lần do chịu tác động từ căng thẳng ở Biển Đỏ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký, phụ trách Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo |
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, hiện các công ty may mặc của Việt Nam đang phải đối mặt với các chu kỳ giao hàng gấp hơn cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng nhanh. Đồng thời, việc duy trì chất lượng đầu ra đối với sản phẩm sản xuất đại trà cũng đang tạo ra những trở ngại mới cho các xưởng may của hầu hết các công ty may mặc trong nước.
Một thách thức nữa đối với doanh nghiệp dệt may theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đó là, lao động Việt Nam đang mất lợi thế giá rẻ. Hiện, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD, thu hút từ 3-5 ngàn lao động, các doanh nghiệp này đang cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngành dệt may trong thu hút nguồn lao động.
Ngoài những thách thức trên, vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành dệt may cũng trở nên rất khó khăn. Nhất là trong bối cảnh, việc truy xuất nguồn gốc ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, EU, Ấn Độ, Canada là quy định bắt buộc đối với hàng hoá nhật khẩu.
Nhiều quốc gia kiểm soát chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình sản sản xuất và vận hành nhà máy. "Họ truy xuất xem nguyên liệu đó được sản xuất tại đâu, quá trình sản xuất có sử dụng lao động cưỡng bức, có đối xử bất công với người lao động không…" - bà Nguyễn Thị Tuyết Mai thông tin thêm.
Để giải quyết những thách thức này, vấn đề phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững đó là chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong sản xuất và hướng đến xây dựng nhà máy sản xuất thông minh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh, là yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp phải lựa chọn, song để chuyển đổi sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần đi từng bước, từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng tự động hoá.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, dòng máy VectorFashion iC70 của Tập đoàn Lectra (Pháp) - một trong những công nghệ được VITAS đề cập tại hội thảo lần này được đánh giá cao trong ngành may mặc. Tuy nhiên trước đây có giá thành rất cao, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa số là nhỏ và vừa, nên không thể đáp ứng được nhu cầu. Đó là lý do, VITAS đã đề xuất Lectra nghiên cứu ra một dòng máy phù hợp hơn với các doanh nghiệp Việt Nam và iC70 đã có mặt để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp dệt may trong nước.
Áp dụng công nghệ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hướng đến phát triển bền vững |
Theo ông HK – Moon – Giám đốc Lectra Việt Nam và Hàn Quốc: Máy cắt VectorFashion iC70 được thiết kế đặc biệt dành cho thị trường Việt Nam có tốc độ cắt nhanh và cắt chuẩn xác với độ chính xác cao, giúp các công ty may Việt Nam nâng cao năng suất và lợi nhuận, nhằm ứng phó tốt hơn với những thay đổi của thị trường trong tương lai.
Thông tin tại hội thảo cho biết, trên thực tế, một doanh nghiệp may mặc tại tại Trung Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm hàng thể thao đặt mục tiêu sản xuất 8.000 sản phẩm mỗi ngày, nhưng trên thực tế họ đã đạt hơn 12.000 sản phẩm, tăng 50% so với kỳ vọng. Do đó sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp giải quyết áp lực về thời gian giao hàng.