Giá xuất khẩu cà phê đạt 3.805 USD/tấn, tăng vọt 54,5%
This browser does not support the video element.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,05 triệu tấn cà phê với kim ngạch 4,03 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng nhưng lại tăng 36,1% về giá trị.
Giá xuất khẩu cà phê đạt 3.805 USD/tấn, tăng vọt 54,5% so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng vọt (Ảnh: TTXVN) |
Các chuyên gia cho hay, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục trong thời gian qua là vì nguồn cung trên thế giới khan hiếm. Niên vụ 2023-2024, tình trạng khô hạn và sâu bệnh đã khiến sản lượng cà phê Tây Nguyên, vùng trồng trọng điểm của cả nước giảm 20% so với niên vụ trước. Tuy mất mùa, giảm sản lượng song giá cà phê tăng cao nên cả người nông dân, doanh nghiệp, cũng như ngành hàng cà phê phấn khởi thu về giá trị vượt trội.
Hiện, các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc... đang tăng cường mua loại nông sản này khiến giá nhập khẩu vào các thị trường này tăng lên khoảng 30% so với năm 2023. Điển hình là đầu tháng 7-2024, Hungary đã mua cà phê của Việt Nam với mức giá trung bình hơn 6.800 USD/tấn, hay Israel mua với mức 6.100 USD/tấn.
Trong bối cảnh ngành hàng cà phê đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, nhiều doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đã chủ động tăng cường liên kết với nông dân vùng nguyên liệu tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp gia tăng xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.
Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp, Gia Lai cho biết, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong cùng kỳ năm ngoái giảm gần 20%, nhưng giá trị gia tăng gần 42%.
Dự báo năm nay xuất khẩu cà phê có khả năng sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi đôi với thách thức. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích có chứng nhận quốc tế, gắn với đó là các chuỗi liên kết ngày càng bền chặt, để gia tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản chủ lực của quốc gia.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng xác định, không mở rộng diện tích cà phê, mà tập trung nâng cao chất lượng, thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, triển khai các giải pháp đảm bảo sự bền vững cho chuỗi cung ứng cà phê trên địa bàn.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đưa ra nhận định, đối với diện tích cà phê còn lại, chúng ta phải tái canh để tìm ra những giống mới cũng như tái canh để tăng năng suất cây trồng. Ngành cà phê Việt Nam phải có thay đổi kể cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu đều theo hướng phát triển xanh.