Giá xăng dầu hôm nay 27/7: Tăng ngày thứ 2 liên tiếp
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường dầu thô đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, với giá dầu giảm ngược trở lại trong phiên tối theo đà chung của thị trường tài chính. Kết thúc phiên 26/7, giá dầu thô WTI giảm 1,78% xuống 94,98 USD/thùng, giá dầu thô giảm 0,73% xuống 99,46 USD/thùng.
Thực chất, giá dầu đã tăng khá mạnh trong phiên sáng, với dầu WTI đã có lúc chạm mốc 99 USD/thùng trước các lo ngại về nguồn cung suy yếu, đặc biệt khi Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục bày tỏ quan điểm muốn thảo luận về việc áp đặt trần giá lên các sản phẩm dầu của Nga. Trong khi đó, từ trước, Nga đã cho rằng điều này sẽ gây ra căng thẳng giữa các bên, đặc biệt Nga có khả năng sẽ không cung cấp dầu cho bất kỳ bên nào áp đặt chính sách trần giá. Điều này đã giúp giá tăng đến hơn 2 USD/thùng so với giá mở cửa.
Tuy vậy, đến phiên tối, giá dầu đã đảo chiều, theo sức ép chung trên thị trường tài chính. Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi các báo cáo thu nhập quý II thất vọng đã gia tăng lực bán trên thị trường. Dòng tiền quay trở lại các tài sản trú ẩn như Dollar Index, khiến chỉ số này tăng vọt 0,66% lên 107,19 đã tạo ra lực bán lớn. Do dầu thô được định giá bằng đồng bạc xanh, do dó khi Dollar Index tăng lên, sẽ khiến cho chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ, giảm sức hấp dẫn của dầu đối với các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác. Bên cạnh đó, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu, và nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thời điểm Fed tăng lãi suất.
Việc Mỹ bất ngờ mở bán 20 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược (SPR) cũng là nguyên nhân gây sức ép lên giá. Con số này tuy không lớn, tương đương 1 ngày tiêu thụ dầu tại Mỹ, tuy nhiên cho thấy quyết tâm của Chính phủ Mỹ trong việc hạ nhiệt giá dầu trên thị trường. Từ đầu năm đến giờ, Mỹ đã bán 125 triệu thùng từ các kho SPR, và 70 triệu thùng đã được giao đến cho người mua.
Dù vậy, sáng nay số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô, xăng và nhiên liệu chưng cất tại Mỹ đồng loạt giảm trong tuần kết thúc ngày 22/07 đang là yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phiên sáng. Đáng chú ý, tồn kho dầu thô giảm mạnh đến 4 triệu thùng, báo hiệu nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ phần nào phục hồi trong tuần vừa rồi.
Nga thắt chặt khí đốt đối với châu Âu hôm thứ Hai khi Gazprom (GAZP.MM) cho biết nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức sẽ giảm xuống chỉ còn 20% công suất.
Việc cắt giảm nguồn cung sẽ khiến các quốc gia không thể đạt được mục tiêu nạp khí tự nhiên dự trữ trước mùa đông. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể phải cung cấp khí đốt vốn cho ngành công nghiệp để giữ ấm cho người dân trong những tháng mùa đông.
Liên minh châu Âu đã nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng biện pháp tống tiền năng lượng, trong khi Điện Kremlin nói rằng sự thiếu hụt là do các vấn đề bảo trì và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các bộ trưởng năng lượng EU hôm thứ Ba đã thông qua đề xuất cho tất cả các nước EU cắt giảm sử dụng khí đốt tự nguyện 15% từ tháng 8 đến tháng 3.
Trong nước, liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầutrong kỳ điều chỉnh từ 15h ngày 21/7.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 còn 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng); còn xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng).
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 1.735 đồng, còn 24.850 đồng một lít. Dầu hoả hạ 1.099 đồng một lít, còn 25.240 đồng. Dầu mazut là 16.540 đồng một kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng.
Đây là kỳ giảm giá thứ ba liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng; E5 RON 92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel là 5.160 đồng...