Chủ nhật 29/12/2024 19:40

Giá tiêu Việt Nam đang thấp nhất thế giới

Giá tiêu Việt Nam hiện đang thấp nhất thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này do doanh nghiệp xuất khẩu ép giá bà con. Liệu điều này có đúng?

Giá tiêu tiếp tục trồi sụt bất thường

This browser does not support the video element.

Trong gần một tháng qua, giá tiêu trong nước biến động tăng/giảm trong biên độ hẹp, trong đó, xu hướng giảm chiếm sóng. Việc này, khiến nhiều nông dân, thương lái và cả giới đầu cơ không ít phần thất vọng.

Giá tiêu Việt Nam đang thấp nhất thế giới (Ảnh: Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam)

Trên nhiều diễn đàn hồ tiêu, thông tin thị trường giá cả đang là vấn đề được quan tâm. “Giá tiêu Việt Nam thấp nhất thế giới là vô lý,… Bà con ai có khả năng tài chính nên nắm giữ tiêu và kiên trì không bán tháo chờ thêm, giá nhất định sẽ tăng”. “Bà con thấy giá không hợp lý với mình thì đừng bán cứ cất kho, đợi khi nào giá tốt nhất với mình hãy bán”. “Doanh nghiệp bán khống thấp, giờ quay lại ép dân”,… - một số ý kiến cho biết trên diễn đàn.

Hiện giá tiêu Việt Nam đang thấp nhất thế giới. Cụ thể, giá tiêu đen Indonesia đang đứng ở mức 187.005 đồng/kg; tiêu đen Malaysia đang đứng ở mức 214.455 đồng/kg; tiêu đen Brazil đứng ở mức 155.796 đồng/kg; tiêu đen Việt Nam đứng ở mức 146.334 đồng/kg.

Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế ngày 16/8/2024

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD, tiêu đen đạt 652,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 2,2% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng lần lượt 32,7% đối với tiêu đen và 25,0% USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 7 tháng tăng 48,4% và chiếm 26,4% thị phần đạt 43.349 tấn. Tiếp theo là các thị trường: Đức đạt 10.941 tấn, tăng 97,3%; UAE đạt 10.897 tấn, tăng 39,2%; Ấn Độ đạt 8.744 tấn, tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 đạt 8.059 tấn, so cùng kỳ giảm 84,6%.

Cũng theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong tháng 7/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 1.855 tấn, trong đó tiêu đen đạt 1.086 tấn, tiêu trắng đạt 769 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 10,7 triệu USD, so với tháng 6 lượng nhập khẩu giảm 4,9%. Indonesia là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 7 đạt 1.220 tấn, chiếm 65,8% thị phần.

Tính chung, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 19.857 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 17.443 tấn, tiêu trắng đạt 2.414 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 80,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 14,9%. Brazil, Campuchia và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 7.322 tấn, 6.485 tấn và 4.211 tấn.

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những động thái khó hiểu. Một mặt nhập khẩu tiêu Indonesia với giá cao, mặt khác, đang ép giá tiêu Việt Nam.

Doanh nghiệp ‘khó trong, khó ngoài’

2024 được nhận định là một năm biến động mạnh của thị trường hồ tiêu, gây thiệt hại kinh khủng cho toàn ngành. Câu hỏi đặt ra lúc này, ai là người được hưởng lợi? Ai là người chịu thiệt hại nặng nề nhất?

Theo các chuyên gia trong ngành, nông dân, người giữ hồ tiêu khi giá ở mức dưới 120.000 đồng/kg và người nhập khẩu ở thời điểm giá tiêu bình quân ở mức dưới 100.000 đồng/kg. Đối với người chịu thiệt hại đó là người ôm trữ tiêu ở mức 150.000 – 185.000 đồng/kg; nhà xuất khẩu thiếu hàng; nhà cung ứng thiếu hàng.

Giá xuất khẩu tiêu đen 4.568 USD/tấn nhân với tỷ giá USD là 25.200 đồng, như vậy, giá tiêu đen rơi vào khoảng 115.000 đồng/kg (bao gồm cước tàu). Với giá xuất khẩu xô trung bình khoảng 115.000 đồng/kg, trong khi đó, giá tiêu trong nước trung bình 150.000 đồng/kg, khiến nhà xuất khẩu đối diện với rủi ro thua lỗ.

Trong bối cảnh giá tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng. Lượng hàng xuất khẩu ít đi, giá xuất khẩu cao thì tốt cho dân nhưng với doanh nghiệp mức lợi nhuận thu được chưa chắc đã ngang bằng với tỷ lệ mức giá tăng xuất khẩu, bởi doanh nghiệp có những hợp đồng ký từ trước và đến nay họ mới giao hàng. Hoặc doanh nghiệp ký năm ngoái năm nay mới giao hết hoặc ký đầu năm nhưng cuối năm mới giao hàng.

Trên thực tế doanh nghiệp cũng không thể lường hết được mức giá lên nhanh như vậy vì một phần hàng là tự chủ, một phần phải mua ngoài. Ví dụ, thời điểm ký tháng 2/2024 giá chỉ 90.000 đồng/kg nhưng nay đã lên gần 170.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, thời điểm giữa tháng 6, giá tiêu tăng lên mức 185.000 đồng/kg sau đó từ từ giảm xuống mức 135.000 đồng/kg. Với doanh nghiệp xuất khẩu, giá tiêu giảm giúp doanh nghiệp dễ thở hơn đôi chút. Nhưng với nhiều nhà đầu cơ, nhà cung ứng đang chịu áp lực rất lớn, nhất là những nhà mua tiêu thời điểm 160.000 – 180.000 đồng/kg. Nhiều người vẫn đang nuôi kỳ vọng giá tiêu sẽ vượt lên mức 200.000 đồng/kg. Tâm lý của dân, nhìn thấy giá cao thì rất mừng nhưng vẫn muốn có mức độ tăng giá thêm.

Kỳ vọng này được cho là có cơ sở bởi số liệu của các Hiệp hội ngành hàng cho thấy, nguồn cung hồ tiêu tại thị trường trong nước không còn nhiều. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) – cho hay, không giống như mọi năm, thị trường tiêu năm nay có quá nhiều biến động bất thường. Trong bối cảnh từ nay đến thời điểm trước khi vào vụ mới (khoảng tháng 1 dương lịch) việc thiếu hàng là chắc chắn, nhưng thiếu nhiều hay ít, doanh nghiệp có chịu đựng để chờ tới đến vụ mới hay không thì không ai có thể đánh giá. Bởi mặt hàng hồ tiêu có một đặc điểm là có thể trữ được năm này qua năm khác.

This browser does not support the video element.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) - cho biết, diễn biến giá tiêu thời gian vừa qua là theo quy luật thị trường. Giá tiêu tăng tại tất cả các thị trường chứ không chỉ riêng Việt Nam. Như tại Brazil, thông thường, thị trường này giá thấp hơn Việt Nam thì nay còn cao hơn cả Việt Nam.

Mặc dù giá hồ tiêu Brazil cao hơn Việt Nam, doanh nghiệp Việt vẫn phải nhập khẩu nhưng không còn nhập ồ ạt như thời gian trước. Nguyên nhân do giá quá cao khiến biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp do phải cộng với chi phí giá tàu và nhiều chi phí khác. Trong khi đó, hiện, các công ty dịch vụ logistics lại báo giá cước tăng liên tục khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu càng khó khăn.

Trở lại câu chuyện vì sao giá tiêu thế giới đắt hơn tiêu Việt Nam nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập? Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu tiêu trước đó, nên họ buộc phải nhập hồ tiêu. Cũng có thể do tùy chủng loại tiêu hoặc dù giá tiêu trong nước thấp hơn giá tiêu thế giới nhưng việc giá tiêu “nhảy múa” khiến doanh nghiệp thu mua rất khó. Và quan trọng nhất lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, hộ nông dân này không bán thì doanh nghiệp đi mua ở hộ nông dân khác là khó, bởi không phải nhà nào cũng có hồ tiêu để bán. Trong khi những hợp đồng xuất khẩu đã ký buộc doanh nghiệp phải gom hàng để trả nhà mua, giữ uy tín với các đối tác quốc tế.

Giá tiêu tăng, người dân trồng hồ tiêu là vui nhất. Tuy nhiên, việc hài hòa chia sẻ lợi ích, để tất cả các bên cùng thắng mới là điều quan trọng nhất lúc này.

Giá hồ tiêu hôm nay (17/8) tại khu vực Đông Nam Bộ giảm 2.000 - 2.500 đồng/kg ở một vài địa phương so với ngày hôm qua, giao dịch quanh mốc 136.000 - 137.000 đồng/kg; giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 137.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu đen Việt Nam duy trì ở mức cao, giao dịch ở 5.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l ở mức giá 6.200 USD/tấn; giá hồ tiêu trắng ở mức 8.500 USD/tấn...
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Giá tiêu Gia Lai