Thứ năm 19/12/2024 11:35

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu: Đẩy mạnh nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam gia tăng, đồng nghĩa với việc, công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nêu rõ, Việt Nam là nền kinh tế mở, đặc biệt là khi Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.

Theo đó, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh: Hoà Phát

Trong số các quốc gia, Hoa Kỳ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại từ trước đến nay do Hoa Kỳ điều tra là 66 vụ, các mặt hàng chủ yếu là thép, gỗ, sợi, sản phẩm nông nghiệp gồm tôm, cá tra, mật ong. Từ đầu năm 2024, Hoa Kỳ đã khởi xướng 7 vụ, trong đó có mặt hàng như pin năng lượng mặt trời, thép CORE, sợi, đĩa giấy...

Trên thực tế hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn. Các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý. Điều này thể hiện thông qua việc yêu cầu các bên tuân thủ chặt chẽ về mặt thời gian trả lời câu hỏi; yêu cầu bổ sung thêm nhiều tài liệu, thông tin, dữ liệu trong khi thời gian trả lời bị hạn chế; việc xin gia hạn gặp nhiều khó khăn, rào cản ngôn ngữ.

Trước những thách thức đặt ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng như các hiệp hội như Hiệp hội Thép, Hiệp hội Mật ong, Hiệp hội Gỗ và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bày tỏ quan điểm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng báo cáo Đại sứ quán, đề xuất trao đổi ở cấp lãnh đạo đại sứ quán khi làm việc với đối tác để tăng cường hiệu ứng tác động, hỗ trợ ứng phó với vụ việc. Cùng với đó, Thương vụ cũng luôn thăm dò, trao đổi, gặp gỡ đối tác tại Hoa Kỳ để tìm hiểu thông tin, phân tích số liệu xuất nhập khẩu để đưa ra khuyến nghị, cảnh báo doanh nghiệp như một số sản phẩm như thép, gỗ…

Trong những vụ việc trợ cấp gần đây, theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ - cho biết, đơn vị đã đại diện chính phủ tham gia tham vấn với phía Chính phủ Hoa Kỳ nhằm đưa ra những quan điểm, lập luận về những cáo buộc trợ cấp của nguyên đơn nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa các chương trình phía Mỹ điều tra khi khởi xướng. Qua đó, giảm bớt gánh nặng chứng minh cho doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt Nam trong các vụ việc trợ cấp.

Xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Luật sư Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đánh giá, sau các va vấp ban đầu, đến nay, qua nhiều vụ việc chúng ta đã kháng kiện thành công, điều này cho thấy năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. "Mặc dù vậy, năng lực ứng phó của các doanh nghiệp nhất là khu vực doanh ngihệp nhỏ và vừa trong nước còn nhiều hạn chế, do yếu về vốn, về quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo dõi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa mạnh dạn đầu tư nhiều vào máy móc để nâng cao năng suất"- ông Văn nêu.

Theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng, hiện, việc bị điều tra phòng vệ thương mại nói chung và trợ cấp nói riêng là nguy cơ luôn hiện hữu với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Và việc bị khởi kiện không chỉ riêng ở Hoa Kỳ mà còn nhiều nước khác khi hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu của đối tác (EU, Úc, Canada).

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Ảnh: Cục Phòng vệ thương mại

Trước các nguy cơ đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài, trong phạm vi phụ trách của Cục Phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương - nhấn mạnh, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Đặc biệt, theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, việc tham gia vào các phiên họp về Tiểu ban Phòng vệ thương mại thực thi các hiệp định và tổ chức phiên đối thoại cấp cao giữa Việt Nam với các đối tác về phòng vệ thương mại sẽ là một trong những hoạt động, mục tiêu chính của Cục Phòng vệ thương mại trên cơ sở các kết quả tích cực ghi nhận được từ hoạt động trong năm 2023.

Được biết, năm 2023, Việt Nam và Úc đã tổ chức thành công phiên đối thoại cấp cao lần thứ 2 về phòng vệ thương mại. Mục đích phiên đối thoại nhằm tăng cường quan hệ trao đổi, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau trong hoạt động điều tra phòng vệ thương mại giữa hai bên, đồng thời cũng là một trong những nội dung quan trọng trong các cam kết thương mại giữa Việt Nam và Úc. Đặc biệt, việc tổ chức thành công phiên đối thoại cấp cao như trên cũng là cơ sở để Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục nghiên cứu, phát triển, tổ chức các chương trình tương tự trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các tiểu ban phòng vệ thương mại của các FTA và các nhóm công tác chung về phòng vệ thương mại cũng là hoạt động để Việt Nam có thêm kinh nghiệm đối với lĩnh vực này. Năm 2023, thông qua kỳ họp Tiểu ban trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Kỳ họp lần thứ 7 Nhóm Công tác chung về phòng vệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng cường thắt chặt quan hệ hợp tác và thường xuyên giữa Việt Nam và đối tác, từ đó nhận được sự ủng hộ với Việt Nam trên các diễn đàn song phương và đa phương trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sẽ tiếp tục được Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh. Thời gian qua, theo Cục Phòng vệ thương mại, các hội thảo, hội nghị về phòng vệ thương mại đã được tổ chức với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao kiến thức về cảnh báo sớm phòng vệ thương mại tại các địa phương như Hải Dương, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ…

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp được củng cố, bổ sung những kiến thức về các FTA thế hệ mới, các biện pháp phòng vệ thương mại, tận dụng các cơ hội, nắm bắt được cách thức xử lý khi gặp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Cục Phòng vệ thương mại cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nội dung nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác tuyên truyền về nội dung này thông qua các tọa đàm, khóa đào tạo, hội thảo giúp doanh nghiệp nắm được tổng quan về các FTA và các biện pháp phòng vệ thương mại; thực trạng việc áp dụng một số quy định pháp luật trong thực tiễn điều tra các vụ việc; ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, thông qua nội dung tuyên truyền trên, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp được củng cố bổ sung những kiến thức về các FTA thế hệ mới, các biện pháp phòng vệ thương mại, tận dụng các cơ hội, nắm bắt được cách thức xử lý khi gặp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Canada khởi xướng rà soát ghế bọc đệm nhập khẩu từ Việt Nam

Canada khởi xướng điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc từ Việt Nam

Kính nổi xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị yêu cầu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp

Cục Phòng vệ thương mại khánh thành ‘Lớp học hạnh phúc’ tại Điện Biên

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam

Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với xơ sợi staple nhân tạo từ polyester

Kinh nghiệm ứng phó điều tra phòng vệ thương mại từ ngành nhôm Việt Nam

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội ứng phó điều tra phòng vệ thương mại

Kết quả điều tra rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội

Indonesia điều tra gia hạn áp thuế tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm may mặc

Doanh nghiệp phải sẵn sàng nguồn lực trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ

Malaysia điều tra rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội

Philippines khởi xướng điều tra tự vệ đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu

Lùi thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra chống bán phá giá ván sợi gỗ

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận đề nghị miễn trừ chống bán phá giá thép hợp kim trước ngày 1/12

Gia hạn nộp bản trả lời điều tra chống bán phá giá đối với ván sợi gỗ