Giá phân bón dự kiến tăng mạnh hơn vào tháng tới Nhập khẩu phân bón trong tháng 8 đạt mức cao nhất hơn 2 năm qua Thị trường phân bón dự kiến còn nhiều biến động |
Mỹ, Ba Lan mua lượng phân bón kỷ lục từ Nga
Những biến động chính có thể kể ra với diễn biến thị trường phân bón toàn cầu thời gian gần đây là Trung Quốc thắt chặt việc xuất khẩu phân bón, Nga ngừng ưu đãi giá cho phân bón xuất khẩu sang Ấn Độ. Cùng với đó, Mỹ và Ba Lan mua lượng phân bón kỷ lục từ Nga... Những diễn biến của các “ông lớn” trên thị trường phân bón thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, đẩy giá phân bón tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới.
Theo cơ quan thống kê Mỹ, chỉ trong 7 tháng đầu năm, Washington (Mỹ) đã nhập khẩu khối lượng phân bón kỷ lục của Nga, trị giá lên đến 944 triệu USD.
Lượng nhập khẩu phân bón của nước này từ Nga tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu trong tháng 7 giảm gấp 3 lần so với tháng 6 - giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2021.
Dù vậy Nga vẫn là nhà cung cấp phân bón lớn thứ hai cho Mỹ trong năm nay, sau Canada - quốc gia xuất khẩu sang Mỹ lượng phân bón trị giá 2,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay.
Nga là nước sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu. Sản lượng phân bón trung bình hàng năm của Nga ước tính đạt khoảng 55 triệu tấn.
Mỹ mua lượng phân bón kỷ lục từ Nga (Ảnh minh họa: Sputnik) |
Sau Mỹ, Ba Lan là nước thứ 2 nhập khẩu mạnh phân bón từ Nga.
Một phân tích dữ liệu chính thức của RIA Novosti cho thấy nhập khẩu phân bón Nga của Ba Lan đã tăng 3,3 lần trong tháng 7 năm 2023 so với năm ngoái.
Theo tờ báo này, các công ty Ba Lan đã mua lượng phân bón trị giá 20,2 triệu USD so với chỉ 6,2 triệu USD vào tháng 7 năm ngoái. Kết quả, Nga đứng thứ hai trong số các nhà cung cấp lớn nhất của Ba Lan, trong khi vào tháng 7 năm 2022, nước này chỉ đứng thứ sáu.
Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Ba Lan, các nhà sản xuất phân bón Nga lại ngừng cung cấp các loại phân bón với giá chiết khấu cho Ấn Độ.
Hiện các công ty Nga đã ngừng cung cấp các loại phân bón, bao gồm phân vô cơ hỗn hợp thường được dùng trong nông nghiệp (di-ammonium phosphate- DAP) cho Ấn Độ với giá chiết khấu do nguồn cung toàn cầu thắt chặt, sau khi Nga trở thành nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Ấn Độ vào năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng, việc này có thể làm tăng chi phí nhập khẩu và gánh nặng trợ cấp của Ấn Độ, trong bối cảnh giá phân bón toàn cầu tăng, do nước xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc đang cố gắng hạn chế lượng phân bón bán ra nước ngoài.
Nhiều biến động với thị trường phân bón toàn cầu
Ngay từ đầu tháng 9/2023, thông tin một số nhà sản xuất phân urê lớn của Trung Quốc ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới theo yêu cầu của chính phủ nước này đã tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới, nên việc đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân urê có thể tạo ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón tăng cao. Theo Bloomberg, nhà sản xuất urê lớn của Trung Quốc là CNAMPGC Holding hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá. Chính sách tạm dừng xuất khẩu phân urê được cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp và nạn đầu cơ sẽ đẩy giá tăng cao.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, việc Trung Quốc yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt sẽ khiến giá urê trên thế giới tiếp tục tăng, kéo theo giá phân bón tại thị trường Việt Nam tăng theo.
Như vậy, cùng với việc Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu phân bón, với những diễn biến như đã nói ở trên về thị trường phân bón tại Nga, Mỹ, Ba Lan và Ấn Độ, giá phân bón nhanh chóng tăng vọt trên toàn cầu, kéo theo giá phân bón tại thị trường Việt Nam tăng theo.
Thị trường phân bón Việt Nam có thể “khởi sắc” trở lại
Ngành phân bón Việt Nam đã có giai đoạn “tăng nóng” từ quý IV/2021 đến hết 6 tháng năm 2022. Giai đoạn này, giá phân bón trên toàn thế giới tăng vọt, kéo theo giá trong nước. Các doanh nghiệp phân bón cũng ghi nhận lợi nhuận cao trong giai đoạn này.
Sau khi tăng cao liên tiếp, giá phân bón trong nước có xu hướng đảo chiều từ những tháng cuối năm 2022 cho tới gần đây. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá phân bón giảm đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh ngành trong 6 tháng năm 2023.
Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây của thị trường phân bón thế giới và trong nước, VDSC nhận định, thị trường phân bón sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm.
Argus dự báo giá ure thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. VDSC nhận định, giá ure nội địa biến động khá tương quan với giá ure thế giới, do đó giá ure trong nước có thể tăng 12% so với đầu năm. Còn đối với giá NPK, kể từ đầu năm, do tốc độ giảm giá NPK ít hơn so với ure, nên giá NPK sẽ đi ngang trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cao điểm mùa vụ chính là vụ Đông-Xuân sắp tới, vì thường theo quy luật, sản lượng sản xuất ure cuối năm thường cao hơn, khi đó nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng sẽ cao hơn, đẩy giá thành phân bón tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh giá ure phục hồi, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) có triển vọng cải thiện doanh thu và lợi nhuận rõ nét khi nhờ nhu cầu chăm bón lúa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và vụ Đông Xuân tại khu vực phía Bắc gia tăng, trong khi giá lúa gạo neo ở mức cao cải thiện khả năng chi trả của người dân.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu phân bón của Đạm Cà Mau có thể phục hồi mạnh trong nửa cuối năm so với mức nền thấp trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay, nhờ có các yếu tố thuận lợi.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ đẩy công suất lên tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu phân bón đang tăng cao của bà con nông dân |
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), đơn vị sản xuất - kinh doanh phân bón Phú Mỹ cho biết, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đẩy công suất lên tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của bà con nông dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, PVFCCo đã đưa ra thị trường 640.000 tấn Đạm Phú Mỹ và 90.000 tấn NPK Phú Mỹ. Dự kiến, trong 4 tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ đưa ra thị trường thêm 500.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại, kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm sẽ được cải thiện.
Trước đó, trong 6 tháng năm 2023, PVFCCo ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất 367,5 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái (3.464 tỷ đồng), do giá khí thiên nhiên là nguyên nhiên liệu đầu vào chính của sản phẩm phân bón, hóa chất tăng cao, nhưng giá bán sản phẩm lại giảm.
Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ, kế hoạch kinh doanh quý III/2023 là đạt doanh thu 1.868 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 66 tỷ đồng (gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái).
Tại Đại hội cổ đông Phân bón Bình Điền vào tháng 4 năm nay, Công ty đề ra kế hoạch năm 2023 đạt doanh thu đạt 7.476 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, doanh nghiệp có thể đạt doanh thu 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 191 tỷ đồng.
Từ 15/7/2023, thuế suất thuế xuất khẩu phân bón NPK giảm về 0%, đây cũng là động lực tăng trưởng cho Phân bón Bình Điền khi bên cạnh việc chú trọng giữ vững thị trường trong nước, doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Campuchia, mở rộng thị trường Lào và một số thị trường khác.
Các chuyên gia cũng dự báo, theo quy luật, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong quý 4, thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc và Thu Đông diễn ra ở miền Nam. Hiện, giá nhiều loại nông sản như gạo, cà phê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất. Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà tăng trong quý 4 năm nay, song sẽ không tăng nóng như câu chuyện cách đây 2 năm trước.