Giá heo hơi xuống thấp, người nuôi không có lãi
Giá heo hơi tiếp đà giảm
So với cách nay 1 tháng, giá heo hơi tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) giảm thêm từ 6.000- 7.000 đồng/kg và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Tính chung, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã giảm tổng cộng từ 28.000- 34.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2021 và so với cùng kỳ năm trước.
Giá heo hơi thấp, tiêu thụ chậm do ảnh hưởng dịch bệnh |
Vào cuối tháng 7/2021, giá heo hơi ở TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre… có giá trung bình 52.000- 55.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu năm có giá lên đến 83.000- 85.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, trung tâm chăn nuôi lớn của cả nước giá heo heo thời điểm hiện nay cũng duy trì ở mức giá thấp 53.000- 55.000 đồng/kg. Tại các địa phương như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu... giá heo hơi ở mức thấp 52.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của nhiều hộ nuôi, giá heo giảm mạnh do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ thịt heo bị giảm mạnh vì dịch bệnh. Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi được khống chế, tạo điều kiện cho người dân tái đàn heo và thời điểm này có nhiều đàn heo tới lứa bán nên nguồn cung heo hơi và thịt heo khá dồi dào. Gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, khcác dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động và nhiều chợ truyền thống phải tạm thời đóng cửa... nên heo hơi và thịt heo bán rất chậm.
Hiện nay, giá heo hơi liên tục giảm song giá bán thịt heo trên thị trường không giảm hoặc có giảm nhưng rất ít từ 5000- 10.000 đồng/kg. Tại hệ thống cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối trên địa bàn TP Cần Thơ, giá thịt heo đùi, ba rọi và nạc ở mức từ 120.000- 160.000 đồng/kg, sườn non giá 160.000- 180.000 đồng/kg.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh giá thịt heo bán lẻ vẫn ở mức giá khá cao. Cụ thể, thịt đùi được bán với giá từ 140.000 -150.000 đồng/kg, nạc dăm 150.000 đồng/kg, thịt cốt lết 140.000- 150.000 đồng/kg, sườn non 200.000- 220.000 đồng/kg… Điều này đang được cho là do việc lưu thông, vận chuyển thịt heo gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn trong khâu vận chuyển so với trước do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội tại nhiểu tỉnh thành phía Nam.
Theo tiểu thương kinh doanh thịt heo, thời gian qua sức tiêu thụ thịt heo vẫn khá chậm. Nguyên nhân do giá dù đã giảm đáng kể so với trước nhưng vẫn ở mức khá cao so với nhiều loại thịt gia cầm và thủy sản nên người tiêu dùng giảm mua thịt heo và chuyển sang các loại cá thịt có giá rẻ hơn.
Người nuôi heo không có lãi
Mặc dù giá lợn hơi ở mức thấp nhất và cầm chắc lỗ nhưng các chủ trại vẫn phải xuất bán để có tiền mua cám. Theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ trại lợn Hoa Phượng (huyện Vĩnh Cửu tình Đồng Nai) do tình hình tiêu thụ khó khăn, giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ. Với giá bán hiện nay, người nuôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng/con lợn thịt.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, hiện nay, số lượng heo tại Đồng Nai vẫn ổn định ở mức gần 2,5 triệu con. Công tác đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trên heo vẫn được địa phương triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, do dịch bệnh, mức tiêu dùng giảm nên giá heo bị kéo xuống thấp gây khó khăn cho người chăn nuôi. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều biện pháp, hỗ trợ người chăn nuôi như tạo ra các chuỗi liên kết, liên hệ thương lái… nhưng chưa khả thi vì dịch bệnh đang rất phức tạp. Giờ chỉ còn cách chờ dịch bệnh được kiếm soát mới có hy vọng giảm bớt khó khăn.
Đánh giá của Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho thấy, sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, tình hình tái đàn ở các địa phương diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, đặc biệt là khối tiêu thụ cho các bếp ăn khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng... dẫn đến giá heo giảm. Việc các tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khiến vận chuyển khó khăn, thương lái thu mua cũng có tâm lý ép giá nông dân.
Về lâu dài, để giúp người dân ổn định và phát triển đàn heo nhằm đảm bảo ổn định giá cả và nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, ngành chức năng cần kịp thời tìm giải pháp kéo giảm giá các loại thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả. Ðồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm với mức giá phù hợp trong điều kiện dịch bệnh hiện nay để người nuôi heo mạnh dạn tái đầu tư phát triển sản xuất.