Giá heo hơi hôm nay 18/12: Ghi nhận mức thấp nhất 51.000 đồng/kg
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay không ghi nhận biến động mới và duy trì trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 54.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bắc Giang và Hưng Yên. Tại các tỉnh, thành còn lại, thương lái tiếp tục giao dịch từ 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 18/12: Ghi nhận mức thấp nhất 51.000 đồng/kg |
Tương tự, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay tiếp tục lặng sóng và dao động trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, tại các địa phương bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Lâm Đồng cùng ghi nhận mức giá heo hơi 52.000 đồng/kg. Tại các địa phương còn lại gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, giá heo hơi được thu mua ở mức 51.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay ổn định so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giao dịch thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và Bến Tre. Mức giá cao nhất khu vực 53.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu. Các địa phương khác trong khu vực, ghi nhận giá heo hơi ở mức 52.000 đồng/kg.
Tính chung, trong tuần qua, giá heo biến động trong biên độ hẹp và xu hướng giảm giá vẫn là chủ yếu. Hiện, mức giá heo hơi trung bình các khu vực vẫn xoay quanh ngưỡng 53.000 đồng/kg. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi trung bình ngày 18/12 ở mức 53.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi trung bình ở mức 52.000 đồng/kg; còn tại khu vực miền Nam, giá heo hơi trung bình đứng ở mức 53.210 đồng/kg. Theo các tiểu thương, giá heo hơi và giá thịt heo sẽ vẫn giữ mức giá thấp từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Biến động giá heo hơi trung bình các khu vực tuần từ 12/12 đến 18/12 |
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu về hàng hóa thực phẩm sẽ tăng 60% vào năm 2050, trong đó nhu cầu về protein động vật sẽ tăng 1,7% mỗi năm. Sản lượng thịt, thủy sản và các sản phẩm từ sữa cũng được kỳ vọng sẽ tăng. Nhu cầu thịt ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường chăn nuôi, kéo theo đó là hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu đạt 482,1 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 589,4 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 3,5% trong giai đoạn 2022-2027 (theo IMARC).
Là nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hoạt động thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%. Như vậy tức là Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản). Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Argentina (chiếm 29,8%), tiếp theo là Brazil (20,2%) và Hoa Kỳ (12,8%), trong đó nhiều nhất là ngô và đậu tương. Số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, nhập khẩu ngô hơn 8,4 triệu tấn, trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kì năm trước.