Giá gas hôm nay ngày 6/3/2024: Diễn biến nào đang xảy ra?
Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/3/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới giảm 0,21% xuống mức 1,94 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2024.
Trạm tiếp nhận khí đốt ở Mecklenburg, Đức |
Khí đốt tự nhiên vẫn được các chuyên gia nhận định đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2024 so với năm 2023, do ảnh hưởng bởi dự báo về thời tiết lạnh hơn và giá khí đốt giảm.
Tại Báo cáo thường niên "Global Gas Outlook 2050" vừa được công bố, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) dự đoán: Đến năm 2050, nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ tăng 34% vào năm 2050, góp phần gia tăng đáng kể thị phần của nó trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, từ mức 23% hiện nay lên 26%.
Thủ tướng Denis Shmigal tuyên bố, Ukraina sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này tới Tây Âu sau năm 2024 nếu các nước Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu.
Mạng lưới đường ống dẫn khí lớn của Ukraina đã vận chuyển khí đốt từ các nguồn ở Nga đến các thị trường EU trong nhiều năm. Tuy nhiên, thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina hiện hành giữa Kiev và ông lớn khí đốt Nga Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Đầu tuần này, Ủy ban châu Âu xác nhận không có ý định hợp tác với Nga trong việc vận chuyển khí đốt của Nga tới các nước thành viên EU thông qua lãnh thổ Ukraina, hãng tin Ukrinform dẫn lời Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson.
Kế hoạch của EU là từ bỏ khí đốt của Nga chậm nhất là năm 2027, đồng thời đang nỗ lực tìm kiếm các tuyến cung cấp và nhà cung cấp khí đốt thay thế.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ, Hardeep Singh Puri cho biết, các công ty sẽ đầu tư gần 5 tỷ USD vào mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở các bang phía bắc và đông bắc cũng như các vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm Kashmir.
Đồng thời, đặt mục tiêu đầu tư 67 tỷ USD vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên trong 6 năm tới để cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng trực tiếp với giá ổn định.
Người đứng đầu Bộ Dầu mỏ Ấn Độ thông tin, các biện pháp của Chính phủ dự kiến sẽ khiến mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong nước tăng gấp ba lần vào năm 2030 và cũng giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng khí đốt tự nhiên.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay vào tháng trước, việc mở rộng ngành công nghiệp của Ấn Độ và tăng cường lọc dầu để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cao hơn có thể sẽ khiến mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của nước này tăng gấp ba lần vào năm 2050.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước tháng 3 tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ 1/3/2024. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3 tại thị trường Hà Nội là 460.740 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.842.760 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 2.640 đồng/bình 12 kg và 10.560 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT) so với tháng 2.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South) thông báo, tăng giá gas bán lẻ từ 1/3, mức tăng cụ thể 167 đồng/kg so với tháng trước, tương đương tăng 2.000 đồng/bình 12kg và 7.500 đồng/bình 45kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ của Gas South khi đến tay người tiêu dùng là 471.900 đồng/bình 12kg và 1.770.831 đồng/bình 45kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng tăng 2.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không quá 443.000 đồng/bình 12kg.
Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, mặc dù hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 3 ở mức 635 USD/tấn, không thay đổi so với tháng 2 nhưng do biến động tỷ giá nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế. Như vậy, giá gas trong nước đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!