Mở cửa phiên giao dịch sáng 22/1/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới giảm mạnh 6,55% xuống mức 2,35 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 2/2024.
Các đường ống dẫn khí đốt |
Theo tờ Politico mới đây, việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden xem xét lại về việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ dựa trên khí hậu đang khiến ngành năng lượng mong manh của châu Âu lo sợ.
Cụ thể, việc đánh giá lại cách Bộ Năng lượng Mỹ phê duyệt giấy phép xuất khẩu khí đốt có nguy cơ đình trệ các dự án mà châu Âu đang phụ thuộc để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình trong khi nỗ lực ứng phó với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Đây là ví dụ mới nhất về việc các ưu tiên chính sách của Mỹ - trong trường hợp này là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm carbon - có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu và thậm chí làm nản lòng các mục tiêu an ninh chung của các đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Theo ước tính của hiệp hội thương mại EuroGas, EU đã cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu của Nga xuống còn gần 1/3 trong số 155 tỷ mét khối mà họ nhập khẩu vào năm 2021. EU đã thực hiện được điều đó bằng cách tăng gấp 3 lần lượng nhập khẩu LNG của Mỹ, đạt 60 tỷ m3 vào năm 2023.
Chủ tịch EuroGas - Didier Holleaux cho biết, LNG này là một sự cứu trợ cho châu Âu và góp phần ổn định giá khí đốt, điện cho người tiêu dùng trong EU, sau một thời gian dài giá cao kỷ lục do nguồn cung của Nga giảm.
Theo vị Chủ tịch trên, việc thiếu nguồn xuất khẩu khí đốt bổ sung của Mỹ “sẽ có nguy cơ gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu”.
EU là khách hàng mua LNG lớn nhất thế giới. Khu vực này đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng lực nhập khẩu, bổ sung thêm 6 bến cảng mới kể từ đầu năm 2022 như một phần trong nỗ lực thoát khỏi khí đốt qua đường ống của Nga.
Trong khi đó, căng thẳng leo thang ở Trung Đông gây ra rủi ro hạn chế đối với nguồn cung LNG của châu Âu, Energy Aspect cho biết trong một báo cáo hàng tuần.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu lần cuối được nhìn thấy đã đầy 77,5% và giảm đều đặn trong bối cảnh đợt rét đậm gần đây ở châu Âu.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước tháng 1/2024 tăng, với mức tăng 6.000 đồng/bình 12kg, 22.500 đồng/bình 45 kg và 25.000 đồng/bình 50 kg.
Cụ thể, giá gas của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) bán lẻ ra thị trường sau khi điều chỉnh tăng là 436.000 đồng/bình 12 kg.
Thương hiệu Gas City Petro thông báo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 474.000 đồng/bình 12 kg, 1.777.500 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, theo Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ ngày 1/1, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng thêm 6.000 đồng/bình 12 kg lên 474.000 đồng/bình và 25.000 đồng/bình 50 kg lên 1.973.500 đồng/bình.
Theo các doanh nghiệp đầu mối gas, giá gas thế giới giao theo hợp đồng (CP) tháng 1/2024 tăng 10 USD/tấn, lên mức 625 USD/tấn so với tháng 12/2023 nên giá gas bán lẻ trong nước tăng theo.
Trước đó, trong năm 2023, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7); 6 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9, tháng 10 và tháng 11); tháng 12 không thay đổi.
Thông tin chỉ mang tính tham khảo!