Giá gas hôm nay 31/10: Diễn biến không ngờ tới tại thị trường khí đốt châu Âu
Trong nhiều tháng qua, châu Âu đã gấp rút tìm nguồn cung khí đốt thay thế cho nguồn nhập khẩu từ Nga sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar sau khi giảm nhập khí đốt từ Nga.
Đường ống dẫn khí đốt (Ảnh minh họa: BBC) |
Theo tờ The Washington Post, kho dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức 97,7% tính đến ngày 27/10. Kho của châu Âu đạt 93,8%, hơn nhiều so với mục tiêu 80% mà châu Âu đặt ra trước tháng 11. Trong 5 năm qua, mức dự trữ khí đốt bình quân cao nhất của châu Âu là 87%.
Các kho trữ khí đốt trên khắp lục địa này đã được lấp đầy đến mức sẵn sàng cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp trong mùa đông này.
Ngay cả các tàu chở LNG, mà các khách hàng châu Âu đã cạnh tranh giành giật chúng rời khỏi châu Á, hiện đang rất dồi dào đến mức gây ra tình trạng tắc ùn ứ bên ngoài khơi các bờ biển châu Âu, nơi có các kho cảng chờ dỡ hàng từ chúng.
Trong các quốc gia châu Âu, Pháp đã sớm hoàn tất việc trữ đầy 100% kho dự trữ khí đốt và được cho là có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác trong nguồn cung năng lượng nhờ số lượng nhà máy điện hạt nhân đông đảo.
Bên cạnh đó, Đức cho biết dự trữ khí đốt đã đạt 95%. Nước này đã chi 1,5 tỉ euro (1,46 tỉ USD) để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp chính là Qatar và Mỹ.
Mặc dù giá khí đốt ngày 31/10, bất ngờ tăng trở lại trong phiên giao dịch sau những ngày giảm sâu liên tiếp, tuy nhiên, nhìn chung giá khí tự nhiên giao sau tiêu chuẩn của châu Âu đã giảm hơn 70% so với thời điểm cao kỷ lục vào cuối tháng 8.
Hôm 24/10, giá khí đốt giao ngay của Hà Lan giảm xuống mức âm, nghĩa là nước này không còn chỗ để chứa và các nhà buôn sẵn sàng trả tiền để ai đó lấy bớt khí đốt của họ.
Ngoài ra, thời tiết ấm hơn bình thường trong vài tuần qua đã làm trì hoãn thời điểm bắt đầu mùa sưởi ấm, để dành lại một lượng khí đốt lớn hơn cho những tháng mùa đông. Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu đang cắt giảm tiêu thụ khí đốt mạnh mẽ.
Đây thật sự là một diễn biến không ngờ tới của châu Âu, nơi thị trường năng lượng rơi vào khủng hoảng sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo giai đoạn này sẽ không kéo dài và khi mùa đông đến, giá khí đốt sẽ tăng trở lại và không loại trừ khả năng bị thiếu khí đốt để sử dụng.
Dù giá đang giảm nhưng giá khí tự nhiên giao sau của châu Âu vẫn cao hơn 126% so với tháng 10/2021, thời điểm các nền kinh tế bắt đầu mở cửa sau đại dịch Covid-19. CNN dẫn dự báo của giới chuyên gia cho biết giá khí đốt có thể tăng mạnh trở lại vào tháng 12 và tháng 1/2023 khi thời tiết lạnh hơn.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước có phiên giảm giá sâu với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg từ ngày 1/10. Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Nguyên nhân dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh, là do giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó.
Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho hay, từ ngày 1/10, giá bán gas SP giảm 1.542 đồng/kg; giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 405.000 đồng.
Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro cũng giảm 1.500 đồng/kg, các loại bình gas 12kg giảm 18.000 đồng, bình 45kg giảm 67.500 đồng và bình 50kg giảm 75.000 đồng. Do đó, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng không quá 426.500 đồng/bình và loại 50kg không quá 1.776.500 đồng/bình.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ giảm 18.000 đồng đối với bình gas 12kg và 67.500 đồng đối với bình gas 45kg so với tháng 9.