Giá gas hôm nay 28/11: Thị trường “rực đỏ” trong phiên đầu tuần
Trong một cuộc họp không chính thức mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các bộ trưởng năng lượng của EU đã đồng ý loại trừ khí đốt của Nga khỏi danh sách mua chung.
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, Đức |
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ: Các quy tắc mới sẽ giúp các quốc gia thành viên EU và các công ty năng lượng có thể mua khí đốt chung trên thị trường toàn cầu. Các nước thành viên đã nói rõ rằng khí đốt của Nga sẽ bị loại khỏi danh sách mua chung.
Tuy nhiên, khái niệm “khí đốt của Nga” vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và vẫn chưa biết liệu khí đốt được sản xuất tại Nga và được mua với sự trợ giúp của một bên trung gian hay một chuỗi các bên trung gian sẽ được định nghĩa như vậy.
Các quốc gia thành viên EU đã thống nhất rằng các công ty khí đốt và các công ty tiêu thụ khí đốt ở EU và các nước thuộc Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu sẽ đệ trình nhu cầu nhập khẩu khí đốt. EU sẽ thuê một nhà cung cấp dịch vụ để tính tổng nhu cầu và tìm kiếm các bên trên thị trường toàn cầu để đáp ứng nhu cầu.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, các bộ trưởng năng lượng EU đã không thống nhất được về mức trần giá khí đốt trong cuộc họp mới đây.
EU đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh (286 USD/MWh) trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá LNG toàn cầu ở mức trên 58 euro (59,53 USD) trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.
Song phần lớn các quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Hungary, xem việc áp giá trần là sự can thiệp sai lầm đối với hoạt động của thị trường khí đốt tự nhiên. Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của các bộ trưởng năng lượng sẽ được triệu tập vào ngày 13/12 tới.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, do các lệnh cấm vận áp đặt lên Moscow trong những tháng gần đây, nguồn cung khí đốt của Nga cho EU đã giảm đáng kể, đồng thời,châu Âu tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế khác. Trong đó, Mỹ đang là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu.
Ở một diễn biến khác, Azerbaijan đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Nga theo một thỏa thuận để đáp ứng nhu cầu trong nước của chính mình nhưng điều này đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về thỏa thuận gần đây của nước này nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu.
Thỏa thuận được ký kết ngay trước giai đoạn nhu cầu cao nhất vào giữa mùa Đông, vì Azerbaijan sẽ tìm cách duy trì nguồn cung cho các khách hàng khí đốt trong nước, đồng thời đáp ứng các cam kết xuất khẩu sang Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như thương mại mở rộng gần đây với châu Âu.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.