Giá gas hôm nay 12/6: Thế giới và trong nước thấy gì từ phiên giao dịch đầu tuần?
Một phái đoàn của Hungary do Thủ tướng Viktor Orban dẫn đầu vừa đến Turkmenistan và ký kết thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh đó, Hungary đề xuất các đường ống hiện có ở Đông Nam châu Âu cần được nâng cấp.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijarto, Turkmenistan có thể là một giải pháp để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu, vì nước này có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư trên thế giới, đồng thời đứng thứ 11 trên thế giới về sản lượng. Trở ngại duy nhất là thiếu các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ bờ Đông sang bờ Tây Biển Caspi.
"Khi các vấn đề pháp lý được giải quyết, một đường ống dẫn khí đốt dài 300km với công suất 30 tỷ mét khối hàng năm cần được xây dựng" - Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh.
Sau khi xây dựng đường ống, khí đốt có thể được cung cấp từ Turkmenistan đến Đông Nam châu Âu thông qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đó, khí đốt có thể được vận chuyển đến Hungary qua Bulgaria, Romania và Serbia, những nơi cần nâng cấp đường ống để có công suất cao hơn.
Chính phủ Italy và Đức cũng vừa đồng ý xúc tiến việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đã được đề xuất, Reuters trích lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
Tăng cường hợp tác trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng rất quan trọng đối với Đức. Mở rộng mạng lưới cung cấp ở châu Âu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta và chắc chắn sẽ tăng cường an ninh năng lượng.
"Vì lý do đó, tôi rất vui mừng khi chúng tôi đã đồng ý tiếp tục các công việc liên quan về một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và hydro mới giữa Italy và Đức" - Thủ tướng Đức nói.
Tháng trước, Italy, Đức và Áo đã ký một lá thư hỗ trợ phát triển đường ống dẫn khí hydro giữa Bắc Phi và châu Âu, khi các nước châu Âu thích nghi với việc xuất khẩu năng lượng từ Nga bị hạn chế.
Mới đây, Ai Cập và Jordan đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khí đốt. Trong thỏa thuận trên, hai bên nhất trí Ai Cập sẽ sử dụng tàu chứa nổi đặt tại cảng Sheikh Sabah Al-Ahmad ở vịnh Aqaba của Jordan để xử lý khí đốt.
Đổi lại, Jordan sẽ nhận khí tự nhiên hóa lỏng từ Ai Cập và khi cần thiết sẽ bơm lại một phần khí tự nhiên thông qua các đường ống hiện có giữa hai quốc gia.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.