Giá dầu thô hôm nay ngày 20/5: Biến động khó lường
Cụ thể, theo dữ liệu của Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu thô WTI tháng 6 đóng cửa tăng 2,4% lên mức 112,21 USD/thùng và giá dầu Brent tháng 7 tăng 2,69% lên mức 112,04 USD/thùng. Giá dầu WTI tháng 6 sẽ đáo hạn trong ngày hôm nay và thị trường đã bắt đầu chuyển sang giao dịch hợp đồng tháng 7.
Bên cạnh đó, giá xăng RBOB đã tăng trở lại 3% trong ngày hôm qua và tiếp tục hướng đến mức cao nhất mọi thời đại, do nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu vẫn đang tăng lên tại Mỹ.
Giới chuyên gia đều đang có chung nhận định rằng giá dầu đang biến động vô cùng khó lường và các thông tin đều ít nhiều có tác động đến giá trong các phiên giao dịch. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào đủ mạnh để tạo ra xu hướng kéo dài, nên khi có các thông tin trái chiều, thị trường có thể ngay lập tức đảo chiều chỉ trong một trong thời gian rất ngắn.
Tại Trung Quốc, tâm lý kỳ vọng vào việc chính phủ sẽ dỡ bỏ một số lệnh phong tỏa từ ngày 01/06 đang tạo ra lực mua trên các thị trường như năng lượng và kim loại. Thành phố kinh tế lớn nhất cả nước là Thượng Hải đã trải qua vài ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, và theo đà này sẽ sớm mở cửa trở lại vào đầu tháng 6. Không chỉ giúp hoạt động sản xuất, kinh tế được khôi phục, thông tin này sẽ giúp giảm áp lực ách tắc đang diễn ra tại các cảng biển lân cận, và gia tăng lượng dầu thô nhập khẩu và tiêu thụ trong nước trong thời gian tới.
Trong khi đó, câu chuyện về EU và Nga vẫn đang rất khó lường khi nhiều thông tin trái chiều được đưa ra. Nhiều nguồn tin cho biết EU sẽ thông qua một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga trong tháng này, nhưng chi tiết chưa được tiết lộ và cũng chưa nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong khối. Câu hỏi lớn nhất trong thời điểm này là liệu EU có thể cấm toàn bộ hoặc cấm một phần dầu nhập khẩu từ Nga hay không?
Kể từ ngày hôm nay, theo tuyên bố trước đó của điện Kremlin, các khoản thanh toán mua khí đốt của Nga sẽ phải thanh toán bằng tài khoản đồng Rúp. Chính phủ Nga cho biết một nửa khách hàng của Gazprom đã mở tài khoản theo yêu cầu của họ. Ngoài ra, các số liệu mới đây cho thấy Nga đã tích cực xuất khẩu dầu sang thị trường Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc trong thời gian qua. Điều này sẽ giảm bớt áp lực đối với Nga, khi Mỹ đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu và EU có thể sẽ sớm chặn nguồn cung dầu từ Nga trong thời gian tới. Nếu tổng cung và tổng cầu không có nhiều thay đổi, giá dầu sẽ không còn động lực tăng mạnh, mà sẽ ổn định hơn nhiều trong phần còn lại của năm 2022.
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá dầu WTI vẫn đang ở trong xu hướng tăng trong dài hạn, nhưng lực bán sẽ mạnh lên nhiều ở vùng 113 USD/thùng đối với hợp đồng tháng 7. Giá có thể sẽ còn room tăng thêm 1 – 2 USD nữa trong ngày hôm nay, nhưng các tín hiệu cho thấy sẽ chưa thể có sự bứt phá khỏi vùng kháng cự 113 USD trong ngắn hạn.