Giá cà phê tăng bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Giá cao bất thường
Tới chiều ngày 17/4, giá cà phê trong nước đã tăng lên mức 117.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao mà không ai ngờ tới. Thậm chí, với tình hình hiện tại, các ý kiến dự báo rằng, giá cà phê tại nội địa còn có thể vượt mốc cao hơn.
Ông Nguyễn Quang Bình - Chuyên gia cà phê |
Việc giá tăng cao và tăng quá nhanh được doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành ví như “cơn đại hồng thủy” của ngành cà phê, bởi nhiều nhà cung ứng để giữ chữ tín đã phải bán nhà để mua giá cao, thực hiện những hợp đồng giá thấp. Tình trạng "xù" hợp đồng diễn ra phổ biến, thậm chí có những vụ tranh chấp thương mại đã được gửi ra tòa án, chờ xét xử. Trước sức nóng của thị trường, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam vào ngày 11/4 vừa qua còn tổ chức cuộc họp Ban chấp hành bất thường với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước cũng như khối doanh nghiệp FDI để bàn giải pháp tháo gỡ.
Nguyên do tình trạng này xuất phát từ đâu được chuyên gia phân tích cà phê, ông Nguyễn Quang Bình nhận định: Tất cả đến từ căng thẳng về giá. Cụ thể, giá cà phê hiện đang quá cao. Mặc dù giá cao là theo cung cầu và quy luật của thị trường nhưng khi giá quá cao thì sẽ bất thường.
“Trong nước chẳng qua là chuyền tay nhau, hôm nay mua 5 tấn giao ông A, nâng lên 100 đồng, ông kia giao người khác vì thế giá lên. Vì vậy hầu như thông tin phục vụ đầu cơ nâng giá nhiều hơn là giúp thị trường hoạt động bình thường”- ông Nguyễn Quang Bình nói và thẳng thắn nhìn nhận: Nếu tính trên giá là chuyện tốt nhưng về mặt thị trường có hại bởi sẽ ngăn dòng chảy hàng hóa.
Câu chuyện thị trường sẽ còn diễn biến phức tạp, khi tồn kho xuất khẩu đến cuối vụ rất thấp, chỉ bằng 50% so với mọi năm. Điều này sẽ càng là chất xúc tác khiến cho diễn biến giá cả khó lường, tác động tiêu cực đến chuỗi giá trị cà phê.
Liên quan đến nguồn cà phê còn ít, doanh nghiệp khó thu mua, ông Nguyễn Quang Bình cho rằng, hầu hết các nhà kinh doanh cà phê hiện đang rất thiếu vốn. “Cùng 1 số vốn, nếu như năm ngoái họ mua được 2-3 tấn cà phê thì năm nay chỉ mua được 1 tấn, dẫn đến không đủ tiền mua. Mặt khác họ cũng không muốn mua vì lo rủi ro”- ông Bình phân tích.
Giá cà phê ngày 17/4 đã chạm mốc trên 117.000 đồng/kg |
Cần có sự vào cuộc của ngân hàng
Để giải quyết một phần căng thẳng về thu mua cà phê, theo ông Bình hệ thống ngân hàng nên tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo đó, đối với các nước khác, cụ thể là Brazil - Ngân hàng nhà nước hợp tác các địa phương để cung cấp gói tín dụng cho ngành cà phê. Ví dụ họ cung cấp trên 600 tỷ Real Brazil để phục vụ công tác thu mua, phục vụ phát triển (tái canh). Còn ở Việt Nam, hiện ngân hàng là một doanh nghiệp kinh doanh nên việc cung cấp vốn cho doanh nghiệp khó khăn. Dẫn tới nhiều doanh nghiệp không kịp thu mua cà phê đầu vụ, tới nay giá quá cao nên không thể mua tiếp, hoặc có mua sẽ rơi vào vòng xoáy thua lỗ vì phải bù giá.
Trong khi câu chuyện giá cao vẫn đang nóng thì nhiều nhà thu mua, đối tác nhập khẩu đã tìm cách mua cà phê từ nguồn khác thay thế. Theo đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua mua hàng của Indonesia, Brazil…
Bên cạnh vấn đề về vốn, ông Bình cũng đề xuất cấu trúc lại hoạt động thu mua ở trong nước. Trong chuỗi thu mua, hiện thương lái có vai trò quan trọng nhưng với ngành cà phê lại đang lộn xộn và ông Bình cho rằng nên thành lập Hiệp hội về thương lái với những quy định riêng cho từng vùng hoặc mặt hàng…
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê Việt Nam tăng mạnh kéo giá thế giới tăng. Chốt phiên giao dịch rạng sáng ngày 17/4, giá cà phê robusta sàn London kỳ hạn giao tháng 5/2024 đã tăng lên mốc 4.005 USD/tấn. Đây là mức cao nhất lịch sử của sàn giao dịch này. Tương tự giá cà phê arabica trên sàn New York tiếp tục tăng mạnh lên tới 5.220 USD/tấn, đạt mức cao nhất 18 tháng qua. Việc giá cà phê thế giới do mặt hàng này đang trong trạng thái thiếu hụt ở tất cả các nguồn cung. Một nguyên nhân mới là căng thẳng quân sự gia tăng ở khu vực Trung Đông thúc đẩy giá xăng dầu, vàng, hàng hóa tăng mạnh. Từ đó, kéo giá hàng hoá nói chung tăng cao và cà phê cũng không phải ngoại lệ. |