CôngThương - Sự thất thường của giá khiến người lao động bắt đầu chao đảo, muôn chiêu cắt giảm chi tiêu được đưa ra nhưng vẫn khó trụ vững...
Giá leo thang
Kinh nghiệm cho thấy ngay sau đợt tăng giá xăng dầu vào tháng 3/2011, giá nhu yếu phẩm và hàng hóa, dịch vụ đều hình thành mặt bằng mới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4/2011 tăng 3,32%, bị giới chuyên môn đánh giá là tăng cao nhất trong 3 năm liên tục trước đó. |
Giá xăng tăng 2.100 đồng/lít chiều 7/3, giống triều cường bất chợt khiến TPHCM ngập lụt, làm giá cả nhu yếu phẩm và hàng loạt hàng hóa dịch vụ khác rùng rùng dâng cao, gây khó cho người lao động nghèo.
Câu chuyện sau diễn ra tại đại lý gạo trên đường Cao Thắng (quận 3). Chị Sáu Nhung trả tiền bao gạo 10 kg mà mặt cứ nhăn tít lại:
“Cách đây 2 tuần, gạo tám xoan nhà mình hay ăn giá 16.500 đ/kg. Hôm nay giá tăng vọt thành 18.500 đ/kg rồi. Mua bao gạo 10 kg này mình phải thêm 20.000 đồng. Tính ra mỗi tháng mình phải chi thêm 50.000 đồng cho tiền gạo”.
Tranh thủ lúc chủ cửa hàng gạo còn đang đóng bao, chị Sáu kể thêm: “Khoảng 1 tuần trở lại đây vật giá lên dữ lắm. Đi chợ Bàn Cờ hàng ngày từ rau quả đến cá mắm đều lên giá”. Nghe bàn chuyện giá cả, bà chủ cửa hàng gạo góp thêm: “Khoai mỡ lúc trước mua có 10.000 đ/kg, nay chẳng hiểu sao lại tăng gấp đôi. Mấy củ quả khác cũng đều nhích giá cả”.
Theo bà chủ cửa hàng gạo, từ dạo xăng lên giá đến nay giá gạo có nhiều biến động trái ngược khó hiểu. “Đối với gạo loại ngon có giá từ 16.000 đ/kg trở lên thì lên giá chừng 1.500 - 2.000 đ/kg. Còn gạo rẻ tiền dưới 13.000 đ/kg lại sụt giá 200 - 500đ/kg. Mà không riêng gì gạo, bà con đi chợ bây giờ ai cũng ngán cả bởi thứ gì cũng nhích lên một chút”.
Chúng tôi dạo một vòng quanh chợ để tìm hiểu cái sự “nhích” giá của nhu yếu phẩm. Tại chợ Bàn Cờ (quận 3), một tiểu thương bán gà cho biết, giá gà tuần qua từ 42.000 đ/kg đã nhích lên liên tục. “Hiện giá gà đã làm sẵn đã 52.000 đ/kg rồi. Mà mấy ngày nữa, thế nào nó cũng lên cho coi” - Cô Hai, tiểu thương bán gà đã 20 năm tại chợ Bàn Cờ dự đoán.
Bên cạnh, chị Tám Liễu - Tiểu thương chuyên bán cá - cho hay giá cá các loại mấy ngày qua đã tăng rất nhiều so với tuần trước. “Giá tăng 5.000 - 10.000 đ/kg tùy từng loại cá. Có điều mấy hôm nay người ta mua cá nhiều lắm dù thịt heo đã hạ giá, có lẽ người ta vẫn sợ vụ chất tạo nạc”.
Dạo quanh những chợ khác tại quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận… chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Hỏi thăm những người đến chợ về giá cả, họ đều lắc đầu quầy quậy “cái gì cũng tăng, mệt lắm”.
Cũng như triều cường nhấn chìm những ngôi nhà nền thấp lè tè của người nghèo trước tiên, giá cả nhu yếu phẩm gia tăng gần đây vì nhiều lý do, trong đó lý do được “đổ thừa” nhiều nhất vẫn là tăng giá xăng, đã tác động trước tiên đến đời sống người lao động nghèo thu nhập thấp và không ổn định.
|
Gạo và nhiều mặt hàng khác tăng giá khiến chị Sáu Nhung phải tính toán lại các khoản chi. |
Người nghèo… “xuống tấn”
Có thu nhập khá hạn chế nhưng phải lo cho 4 người phụ thuộc, anh công nhân đứng máy sản xuất cáp điện Nguyễn Phan Đỗ Hiền (quận 9) buộc phải tính toán chi li từng đồng thu nhập. “Em phải chuyển sang dùng bếp hồng ngoại để mỗi tháng tiết kiệm hơn 150.000 đồng so với dùng gas. Nhà còn khoảng sân trống thiết kế cái bếp củi luôn.
Gạo thì trước ăn loại 15.000đ/kg, nay hạ xuống 13.000 đ/kg. Ngay cả nước uống cũng tiết giảm luôn anh ạ, hồi trước nhà uống nước bình 10.000 đ/bình, nay lấy bếp củi nấu nước uống luôn. Chợ búa hàng ngày phải dè sẻn tối đa, mỗi thứ tăng giá một chút thì mỗi thứ mình giảm số lượng lại một chút, vậy mới đủ chứ thu nhập của em có tăng đâu, vả lại vợ em cũng sắp sinh đứa thứ 2. Hoàn cảnh này mà giá cả cái gì cũng tăng, mệt lắm anh ạ”.
Để đảm bảo nguồn thu không thay đổi vẫn đủ chi cho chuyện sinh hoạt thường nhật, nhiều người lao động ở gần chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức) và Hóc Môn đều tranh thủ ghé chợ sỉ để mua lẻ cho rẻ. Chị Mỹ Hoàng gần chợ đầu mối Hóc Môn nhưng buôn bán ở quận Tân Phú nên thường ngày chị ghé chợ nhỏ trên đường Phú Thọ Hòa mua thực phẩm trước khi về nhà. Nay đối phó với vật giá gia tăng, chị tranh thủ về sớm hơn thường lệ 30 phút để “mua lẻ chợ sỉ”.
“Chợ đầu mối bán rẻ hơn. Thịt heo ở đây vừa rẻ vừa bảo đảm, rau củ các loại cũng rẻ hơn chợ ngoài mấy giá. Nếu mình canh giờ đúng thì thịt, rau sau khi giao mối xong lúc nào cũng còn dư nên họ bán còn rẻ hơn nữa” - Chị Hoàng chia sẻ kinh nghiệm mua lẻ chợ sỉ.
Rất đông bà nội trợ cũng đang tìm cách “canh giờ” mua thực phẩm giá rẻ ở chợ đầu mối như chị Hoàng, nhằm tiết kiệm khoản chi hàng ngày cho nhu cầu ăn uống của gia đình.
Với thu nhập thấp, người lao động nghèo đang nặn óc tìm đủ cách tiết giảm chi phí sinh hoạt, lái con thuyền gia đình vượt qua “bão giá” đang có nhiều dấu hiệu hình thành. Thêm vào đó, hàng loạt phí đang lơ lửng chuẩn bị ập xuống trong vài tháng tới khiến người lao động thêm oằn mình trong “cơn bão ăn-ở-mặc”.