Gây dựng để sớm có "sếu đầu đàn"
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN thuộc Ủy ban giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, trong số 19 tập đoàn, Ủy ban đã đưa ra danh sách các đơn vị có tiềm năng, lợi thế phát triển thành tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, có tính tự chủ, khả năng cạnh tranh khu vực cao.
Sẽ sớm hình thành các doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế |
Từ những DN: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Ủy ban đặt mục tiêu có ít nhất 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế theo các tiêu chí quốc tế.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, DN nhà nước phải thực sự là những “con chim đầu đàn”, dẫn dắt, lan tỏa khu vực DN khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DN nhà nước tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, hơn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu rất rõ, tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn.
Tờ trình của Ủy ban cũng nêu ra 3 nhiệm vụ chiến lược khác. Theo đó, tập trung nguồn lực cho các DN để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cùng nghiên cứu mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, giai đoạn 2021 - 2025, cần 1.523.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Nhu cầu vốn này được chờ đợi từ việc đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các DN, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ vốn. Ủy ban sẽ thực hiện điều tiết, hỗ trợ DN. Đáng chú ý, đối với các dự án trọng điểm quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà máy điện khí, hệ thống đường ống dẫn khí…, phương hướng đề ra là xây dựng cơ chế hợp vốn, hợp tác phù hợp với nguồn lực, thế mạnh của tập đoàn, tổng công ty.
Ủy ban cũng đặt ra kế hoạch nghiên cứu nguồn tài chính để thực hiện việc cấp vốn thành lập mới DN 100% vốn nhà nước, bổ sung vốn điều lệ, thực hiện đầu tư tăng vốn góp của nhà nước tại công ty cổ phần… Theo hướng này, nguồn vốn đầu tư sẽ được bố trí từ cân đối trong khoản thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, sắp xếp, thoái vốn nhà nước và từ tích lũy cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ủy ban, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Các DN trực thuộc cũng được Ủy ban đề nghị hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm trong năm 2021. Đồng thời, phải tập trung tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn có hiệu quả; đổi mới mô hình quản lý DN; xử lý dứt điểm các tồn tại, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang dở dang, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm. |