Chủ nhật 24/11/2024 07:05

Gặp người tái bản “Om ngự” nấu cơm tiến Vua

“Om ngự” có hình tròn, miệng rộng, vành miệng hơi úp vào để khi đun cơm nước không trào ra ngoài và có nắp đậy, trên nắp có núm để cầm.

Chiều cuối Đông, tiết trời se lạnh, trong căn nhà rường làng cổ Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trưng bày rất nhiều sản phẩm gốm, người đàn ông 75 tuổi – ông Lê Trọng Diễn nhớ về “một thời vang bóng” của nghề gốm làng mình.

Lai lịch “Om ngự” làng Phước Tích

Bắt đầu câu chuyện về lai lịch của “Om ngự” nấu cơm tiến Vua, mắt ông Lê Trọng Diễn sáng lên, nét mặt tươi hẳn và để khẳng định làng mình - Phước Tích cũng có công lớn trong việc tạo ra vật dụng cho chốn cung đình xưa.

Theo ông Lê Trọng Diễn, làng Phước Tích được thành lập 1470, kể từ đó, để làm kế sinh nhai, nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Nơi đây không có lấy một tấc ruộng, không có một nghề nào ngoài nghề làm gốm. Nói đến làng Phước Tích thì hồn làng cũng là gốm, cốt làng cũng là gốm.

Gốm làng Phước Tích nổi tiếng đã từ rất lâu, cách đây mấy trăm năm người Nhật Bản khẳng định rằng, trong trà đạo truyền thống của người Nhật vốn đã có ly trà bằng gốm làng Phước Tích.

Sách Ô Châu cận lục viết, vào những năm 1553, không có mối thu nhập nào lớn cho bằng đất nung làng Phước Tích. Có được điều đó là do đất ở đây rất chất lượng, màu sắc đẹp, nhờ vậy mà vua Gia Long cho để làm “Om ngự” nấu cơm.

Với giọng khàn rõ, chậm rãi ông Diễn cho rằng, hiện trong làng không ai có tư liệu về “Om Ngự” của làng Phước Tích. Tuy nhiên, trong Phủ biên tạp lục viết rằng, khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và chính thức đặt tên cho làng là Phước Tích. Trước đó, làng có nhiều tên như Dõng Quyết, Cảm Quyết, Phước Giang, Hoàng Giang… Cũng từ khi được vua đặt tên Phước Tích, những người làm gốm trong làng “làm om tặng” để nấu cơm cho vua ăn và đặt tên là “Om ngự” hay “Ngọc oa ngự dụng”.

Tác giả bài viết trao đổi cùng ông Lê Trọng Diễn

“Om ngự” có hình tròn, miệng rộng, vành miệng hơi úp vào để khi đun cơm nước không trào ra ngoài và có nắp đậy, trên nắp có núm để cầm. Khi làm om tiến vua thì có rất nhiều điều kiện, trong đó đất phải tinh lọc, mẫu phải đặc biệt và có cách đốt lò riêng cho “Om ngự”.

Trong Đại nam thực lục chép rằng, ngày xưa “Om ngự” làng Phước Tích dùng để nấu cơm với gạo De làng An Cựu (TP. Huế) và múc nước giếng Hàm Long chùa Bảo Quốc chỉ để cho vua dùng. Ngày nay nhiều cụ cao niên trong làng Phước Tích vẫn nhớ hai câu thơ truyền miệng trong dân gian “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế - Sen Hà Trì nhất thể Phú Xuân”.

Ông Diễn kể rằng, việc làm “Om ngự” tiến vua nấu cơm cũng đã được vua Khải Định ban cho “giấy khen” và được lưu giữ tại nhà Lê Trọng Kim - đây là nơi sản xuất gốm lớn nhất vùng Phước Tích trước đây. Tuy nhiên, đến năm 1968, trong vụ hoả hoạn, nhà ông Kim bị cháy nên “giấy khen” không còn nữa.

“Om ngự” ngày nay

Chỉ tay từng sản phẩm gốm Phước Tích trưng bày trong nhà, từ chạn, ảng đến lu, vại, đèn dầu, bình vôi…. với vẻ nâng niu, ánh mắt chăm chú, hoài niệm. Ông Diễn cho rằng, đây là những vật dụng thường ngày không thể thiếu trong nhà của người xưa và là tài sản vô giá của ông hiện nay.

“Om ngự” được giữ gìn cẩn thận, trưng bày tại nhà ông Diễn

Ông nhớ lại, thấy tiếc nuối về một thời nổi tiếng của gốm Phước Tích, năm 2010 kế thừa mẫu “Om ngự” của ông nội để lại – duy nhất một cái, ông Diễn bắt đầu “tái bản” để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và bán cho du khách nấu cơm ăn.

Sau khi sản phẩm ra lò, mẫu mã thì tương đối nhưng màu sắc thì không giống với bản cũ. Đây chỉ là “dạng” chứ không hoàn toàn giống “Om ngự” xưa, cái này là do chất đất và lò nung, ông Diễn khẳng định.

Ban đầu chỉ sản xuất ít và để nhớ về “một thời vàng son” của cha ông, nhưng càng về sau “tiếng lành đồn xa” nhu cầu sử dụng của người dân và khách hàng một nhiều. Rồi cũng từ đó, cứ đều đặn năm nào cũng có khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua. Những người mua là chủ nhà hàng, tiệm ăn, mua để nấu cơm niêu, kho cá bán cho khách, có đơn hàng từ tận Sài Gòn đặt từ 2.000 – 4.000 cái, ông Lê Trọng Diễn giải thích.

Ông Diễn như một “kho sách sống” ở làng Phước Tích, ông nhớ như in những tháng ngày thăng trầm của làng gốm quê mình. Từ xưa đến nay, gốm Phước tích cũng đã nhiều lần “tắt lò” rồi cũng nhiều lần sống lại, từ học công nghệ gốm Lái Thiêu đến gốm Bát Tràng, thành lập hợp tác xã, rồi xây dựng lại lò gốm để phục dựng di tích…

Bây giờ nghề gốm ở Phước Tích vẫn sống được, vẫn có thu nhập, nhưng người sống với nghề gốm phải có lòng yêu nghề, có nhiệt huyết, đam mê…, ông Diễn cho biết.

Tuy nhiên, qua câu chuyện, trong ánh mắt ông Diễn vẫn gợi lên nét buồn thấy rõ, sự trăn trở về thế hệ kế cận, nối nghề cha ông nó mông lung, xa vời. Trong nghề gốm có ba thứ quan trọng “nhất xương, nhì da, ba giác lò” – xương là đất, da là thợ chuốt, thợ vẽ, giác lò là thợ đốt lò. Giờ trong làng không còn ai đốt lò được nữa cả, lớp trẻ chưa đam mê, tương lai gốm Phước Tích sẽ thất truyền…

Ông Nguyễn Xuân Hoa - Nhà nghiên cứu văn hoáHuế cho biết, trong ăn uống cung đình xưa, người ta sẽ tuyển chọn rất kỹ từ thực phẩm cho đến những vật dụng nấu nướng, tức là những nguồn nguyên vật liệu để tạo ra một bữa cơm cho vua, trong đó có việc chọn om để nấu cơm, kho cá.

Theo ông Hoa, om nấu cơm cho vua ăn chỉ sử dụng một lần, om nấu cơm cho vua trước khi nấu người ta lấy một om đất mới hoàn toàn, và dùng lửa nung lên một lần để “hơi đất” toả đi, không gây hại đến sức khỏe con người. Gạo vo xong, bỏ vào om nấu thành cơm. Om chỉ dùng 1 lần, dùng xong đập bỏ, không dùng lại nữa. Bởi vậy, nên nhu cầu đòi hỏi số lượng om lớn, vì số lượng rất lớn và vật rất dễ bị vỡ, bể nên rất khó để đưa từ những nơi xa về và “Om ngự” Phước Tích phù hợp với những yêu cầu đó. Với nguồn nhu cầu lớn nên đã thúc đẩy việc phát triển làm om đất của làng Phước Tích phát triển.

Với nét kiến trúc cổ kính, rêu phong và những căn nhà rường, vườn cây trái hàng trăm trăm tuổi bên dòng sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích là một trong hai ngôi làng của Việt Nam được công nhận là di tích quốc gia cùng với làng cổ Đường Lâm.

Nguyễn Tuấn
Bài viết cùng chủ đề: Văn hoá

Tin cùng chuyên mục

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thị trường đồ trang trí Noel 2024: Đa dạng mẫu mã, không biến động giá

Cà Mau: Khai mạc Hội đua vỏ lãi tại thị trấn biển lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị tri thức trong đời sống

Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cà Mau: Khánh thành công trình xây dựng Cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sắp diễn ra triển lãm tranh 'Tôi vẽ Hà Nội' và sự thăng hoa ngành công nghiệp văn hóa đương đại

Họa sĩ Quỳnh Thơm: Kết nối giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Sắp diễn ra Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024

Hà Nội nên có thêm Phố “Hàng Phở” hoặc Phố “Phở Gánh”

Phú Thọ: Tu bổ di tích Đình Hội

Phát huy nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Ra mắt cuốn sách ‘Logistics - Hành trình khát vọng’

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Tối nay (7/11): Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Quảng Nam: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trác

Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai, Gia Lai

Gia Lai: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch TP. Pleiku năm 2024

Anh trai vượt ngàn chông gai: Góp phần định vị điểm đến âm nhạc Việt Nam