FTA giúp các doanh nghiệp thay đổi tư duy, nhận thức về giá trị hàng hóa xuất khẩu
Lợi ích tích cực của các FTA
Việt Nam đang tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 đã có hiệu lực, 2 FTA đã ký, chưa có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Trong đó, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Nhờ FTA xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều hơn, đa dạng hơn, đối tượng sâu rộng hơn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, các FTA mang lại kết quả tích cực đối với kinh tế, xã hội, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt, trao đổi kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác ngày càng phát triển. Những con số thể hiện rõ ràng qua thời kỳ dịch Covid-19, những biến động địa chính trị nhưng hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế đạt con số rất ấn tượng.
Các FTA là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp có điều kiện vươn xa hơn nữa trên thị trường khu vực và thế giới. Cụ thể, nhờ FTA xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn, đa dạng hơn, đối tượng sâu rộng hơn, trong đó có nhiều mặt hàng thế mạnh như thủy sản, nông sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, linh kiện, máy móc thiết bị… đều ghi nhận tốc tốc độ tăng trưởng tích cực. “Về đầu tư, tăng trưởng có chậm lại nhưng vốn giải ngân đáng khích lệ, điều này có sự đóng góp không nhỏ từ các FTA”- ông Khanh nhận định.
Ngoài ra, tác động tích cực từ FTA, theo ông Ngô Chung Khanh - đó là các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nguồn lực, tập trung mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Và điều quan trọng hơn chính là giúp các doanh nghiệp thay đổi tư duy, nhận thức về giá trị các mặt hàng của mình, từ đó định hướng xây dựng thương hiệu, giá trị hàng hóa tại các thị trường quốc tế. Hiện nay, có một số thương hiệu hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường các nước, như: Gạo Lộc Trời, hồ tiêu Phúc Sinh, cà phê… Đây chính là dấu hiệu rất đáng khích lệ và thể hiện rõ lợi ích của các FTA.
Vẫn còn dư địa rất lớn
Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA theo ghi nhận của Bộ Công Thương là vẫn bộc lộ một số khó khăn và tồn tại. Cụ thể, xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, CPTPP (Canada và Mexico), Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn (nhiều tỉnh tỷ lệ này chưa đến 10%). Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, ví dụ tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP khoảng gần 5%, trong EVFTA khoảng gần 26% và trong UKVFTA khoảng gần 24%.
Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam như giày dép, da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA chưa được quan tâm. Mặt khác, số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu; số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA chưa có nhiều.
Về các hạn chế trong tận dụng FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng tỷ lệ tận dụng FTA còn ở mức khiêm tốn, giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người Việt Nam còn thấp. Nguyên nhân do các hoạt động tuyên truyền FTA đang tập trung về lượng chưa nhiều về chất; chưa xây dựng mặt hàng và thị trường trọng điểm để tận dụng các FTA. Các biện pháp hỗ trợ còn chung chung, chưa có biện pháp hỗ trợ riêng cho các mặt hàng tận dụng các FTA. Ngoài ra, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn hạn chế; nhân lực chuyên trách FTA còn thiếu và yếu về chuyên môn FTA; khó khăn trong thống kê số liệu xuất nhập khẩu, kinh phí thực thi FTA còn hạn chế.
Từ những kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua, các chuyên gia của Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này. Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu đó đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của trung ương và địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các FTA này mang lại.
Để tăng cường tận dụng FTA hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ ngành triển khai các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, nhắm giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của đất nước.
Theo đó, Bộ Công Thương định hướng và xây dựng kế hoạch tuyên truyền về FTA, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thống nhất. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ giao Bộ phối hợp với các Bộ ngành xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA; xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho các ngành tận dụng FTA. Đồng thời xây dựng định hướng các ngành, lĩnh vực cần kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, FDI và phối hợp với Bộ Công Thương triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia FTA cho các cán bộ quản lý địa phương; đồng thời làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thống nhất phương án thống kê. "Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện việc nâng cấp FTAP để trở thành cổng thông tin điện tử đầy đủ cho cơ quan quản lý doanh nghiệp về FTA; đồng thời hoàn thiện và công bố Bộ chỉ số FTA (FTA index)"- ông Ngô Chung Khanh thông tin.