Vệ sinh hotline tại TBA 110kV Văn Điển
CôngThương - Trước đây, biện pháp duy nhất để giải quyết việc nhiễm bẩn là lau chùi. Mỗi khi làm vệ sinh lưới điện là phải cắt điện ở một số khu vực. Nhân viên phải trèo lên cột, lau chùi thủ công từng bát sứ một. Mỗi đợt vệ sinh, bảo dưỡng thủ công như thế thường kéo dài nhiều ngày và rất tốn kém nhân lực. Hơn nữa, việc cắt điện gây bất lợi cho vận hành hệ thống, tăng nguy cơ mất ổn định và thiếu nguồn cho phụ tải, đặc biệt làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng, làm mất sản lượng điện thương phẩm, giảm doanh thu. Với thiết bị trong các trạm biến áp bị nhiễm bẩn định kỳ phải cắt điện toàn trạm để vệ sinh. Công nhân làm vệ sinh đường dây cũng luôn chịu áp lực về thời gian trả lưới đóng điện theo kế hoạch nên làm việc rất căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người lao động.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) đang thử nghiệm ứng dụng giải pháp vệ sinh cách điện lưới phân phối (22, 35, 110kV) đang mang điện (còn gọi là vệ sinh cách điện hotline). Đây là đề tài nghiên cứu khoa học của Công ty Truyền tải điện 3 do Phó giám đốc Nguyễn Văn Xuân và kỹ sư Nguyễn Trí Dũng thực hiện. Đề tài đã đạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2012.
Giải pháp vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng công nghệ bắn rửa nước áp lực cao phun thẳng lên các loại cột đỡ, néo của đường dây và các thiết bị, máy biến áp. Hiện nay, giải pháp này đã được Cục An toàn (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trực tiếp kiểm tra, thẩm định đạt kết quả rất tốt.
EVN Hà Nội vừa thử nghiệm vệ sinh hotline tại TBA 110 kV Văn Điển cho kết quả rất tốt. Trong quý III năm 2014, EVN Hà Nội sẽ giao cho Công ty lưới điện cao thế Hà Nội thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, mua sắm thiết bị để triển khai công tác vệ sinh cách điện đang mang điện. |
Điều khác biệt lớn nhất giữa hai phương pháp vệ sinh là chi phí và thời gian thực hiện. Giải pháp vệ sinh hotline rất phù hợp với đặc thù quản lý vận hành và khả năng tài chính hiện nay, không chỉ tiết kiệm thời gian và chí phí mà quan trọng nhất là không phải cắt điện trên lưới, bảo đảm cung cấp ổn định cho hệ thống. Đặc biệt, thời gian xử lý nhanh hơn, sạch hơn, tiết kiệm nhân công hơn, an toàn hơn nhưng vẫn làm sạch mọi ngõ ngách của trụ điện, bát sứ...
Ngoài ra, việc chủ động vệ sinh cách điện nhiễm bẩn lưới điện không chỉ giải quyết việc phóng điện gây sự cố mà còn mang lại lợi ích: tăng tuổi thọ cách điện, giảm nguy cơ mất an toàn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm chi phí vận hành, giảm tối đa thời gian mất điện. Đây là tiêu chí quan trọng để EVN Hà Nội nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng hàng.
Ví dụ: Khi vệ sinh sứ 1 lộ trung áp: 62 vị trí cột, 13 trạm biến áp (TBA) của khách hàng, 28 TBA của điện lực với tổng dung lượng MBA là 10.897 kVA. Nếu làm vệ sinh thủ công phải cắt điện khoảng 11giờ, mất điện khoảng 41.000 kWh. Chi phí tiền lương cho công nhân khoảng 23 triệu đồng. Nếu làm vệ sinh hotline sẽ mất 4 giờ làm việc với tổng chi phí 5,7 triệu đồng (bằng 24,6% khi vệ sinh thủ công).
Hơn nữa, việc cắt điện vệ sinh buộc phải giải quyết những vị trí nhiễm bẩn chưa đến mức độ báo động (phòng lúc không thể cắt điện được nữa), trong khi vệ sinh hotline chỉ tập trung giải quyết lần lượt những vị trí bẩn nặng có nguy cơ phóng điện, giảm được chi phí.