EVN: Giảm tối đa tổn thất điện năng
EVN thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng |
Những kết quả đạt được
Ông Lê Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất (EVN) - cho biết, tính đến cuối năm 2015, EVN đang quản lý khoảng 6.789km đường dây 500kV, 12.759km đường dây 220kV, 17.479km đường dây 110kV và hơn 430.998km đường dây trung hạ áp. Tổng số trạm biến áp 500 - 220kV là 108 trạm, với dụng lượng 55.576MVA; 584 trạm 110kV và 160.743 trạm biến áp phân phối.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn như sản lượng truyền tải điện trên hệ thống 500kV Bắc - Nam luôn ở mức cao do một nguồn điện chưa được cân bằng giữa các miền, số dự án nguồn điện của các nhà đầu tư ngoài EVN đưa vào vận hành chậm tiến độ. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho lưới điện còn hạn chế, nhất là khối lượng lưới điện hạ áp nông thôn được tiếp nhận từ năm 2009 khá lớn; tình trạng trộm cắp điện, gian lận vẫn còn diễn ra phổ biến... Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ TTĐN của toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, sau 5 năm, TTĐN giảm được 2,21%, từ 10,15% năm 2010 xuống còn 7,94% vào cuối năm 2015; tương đương với tổn thất của các công ty điện lực cùng mô hình tổ chức ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, vượt mức chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012.
Theo đánh giá của giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, kết quả TTĐN của EVN là rất đáng ghi nhận, bởi lẽ hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối, nhất là ở khu vực miền Bắc đã được đầu tư quá lâu, thường xuyên mang tải cao, lại chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, trong khi đó tốc độ tăng trưởng phụ tải cao trên 10%/năm.
Tiếp tục các giải pháp
Theo ông Lê Việt Hùng, trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN đã đặt ra mục tiêu đưa mức TTĐN đạt 6,5% vào năm 2020. Để làm được điều này, EVN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Thực hiện phương thức vận hành tối ưu hệ thống điện từ nguồn, lưới điện đến các phụ tải. Không để quá tải các thiết bị; giảm sự cố trên lưới, hạn chế cắt điện; đầu tư thay thế dần các thiết bị cũ, kém chất lượng; lắp đặt tụ bù; thay thế công tơ định kỳ, tiếp tục mở rộng sử dụng công tơ điện tử, đo xa để nâng cao năng lực giám sát; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm sử dụng điện của khách hàng trên cơ sở khoanh vùng tổn thất; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, có ý thức phòng chống các hành vi trộm cắp điện…
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, ngoài các biện pháp trên cần áp dụng giá điện theo thời điểm sử dụng đối với khối sinh hoạt, tránh sử dụng điện vào giờ cao điểm để giảm công suất cực đại (đồng nghĩa với giảm tổn thất). Đồng thời, cần có cơ chế thưởng - phạt rõ ràng trong thực hiện giảm TTĐN.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch nguồn và lưới truyền tải hợp lý, cân bằng năng lượng theo vùng, tránh truyền tải công suất lớn đi xa. Khi đầu tư, nâng cấp hệ thống điện cần tính toán thiết kế cấu trúc sơ đồ lưới điện hợp lý, lựa chọn trang thiết bị phù hợp. Đặc biệt, phải đầu tư lưới điện tương ứng với tăng trưởng phụ tải. Nghĩa là, muốn giảm tổn thất tương ứng thì phải đầu tư tăng.
Nhằm giảm TTĐN thương mại, năm 2015, EVN đã kiểm tra 2.944.145 trường hợp, phát hiện 5.814 vụ vi phạm, truy thu 18,678 triệu kWh. Trong 6 tháng năm 2016, EVN đã kiểm tra 1.625.199 trường hợp, phát hiện 2.479 vụ vi phạm, truy thu 8,416 triệu kWh. |